“Giá đất ở để tính bồi thường chưa cụ thể và quá ngắn gọn. Cần xem xét lại giá bồi thường đất nông nghiệp tại các đô thị đặc biệt…”. Đó là một trong những ý kiến được bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính, đại biểu HĐND TPHCM nêu ra tại hội nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do HĐND TPHCM tổ chức sáng 22-3.
Giá bồi thường đất nông nghiệp ở các đô thị đặc biệt nên tăng để phù hợp thực tế cuộc sống. Ảnh: HỒNG THÚY
Nên bằng 10%-20% giá đất ở
Cũng theo bà Lan, tại các đô thị đặc biệt như TPHCM, đa số diện tích đất nông nghiệp đã được đưa vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Hầu như việc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp là để chuyển mục đích thành đất ở hay đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Do đó, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn quy định nguyên tắc xác định giá đất để tính bồi thường theo mục đích sử dụng và thu nhập từ việc sử dụng đất là rất khó thực hiện trong thực tế.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP, đồng tình với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi khi dự thảo quy định giá bồi thường sát với giá thị trường. Tuy nhiên, ông Tín cho rằng: “Quy định này đúng nhưng chưa phù hợp trong trường hợp tổ chức đấu giá vì rất phức tạp”. Ông Tín đưa ra ví dụ giá đất ở một con đường, theo giá thị trường là 10 triệu đồng/m2 nhưng nếu có một ngôi nhà đem đấu giá trúng giá 30 triệu đồng/m2, vậy lúc này toàn bộ con đường đó không còn là 10 triệu đồng mà trở thành 30 triệu đồng/m2. “Giá thị trường và giá đấu giá là 2 cái khác nhau. Đấu giá còn có yếu tố khác, kể cả đầu cơ” - ông Tín nói.
Phải linh động điều chỉnh
Trên cơ sở 2 phương án của bảng giá đất nêu tại điều 109 của dự thảo, bà Lan nhận định mỗi phương án đều có mặt ưu, nhược điểm riêng. Bà Lan đề xuất đối với trường hợp chủ đầu tư dự án đã tự thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng với người dân thì áp dụng bảng giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Đối với trường hợp đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc phải xác định lại cụ thể khi giao đất chỉ định.
Đưa quy định “trưng dụng, trưng mua đất” vào luật Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất của người có đất trong trường hợp khẩn cấp, với những dự án có tính chất đặc biệt, còn lại phải thực hiện “trưng dụng, trưng mua đất” của người dân mới thể hiện sự công bằng giữa Nhà nước với người có quyền sử dụng đất. Do đó, tại khoản 2, điều 12 phải đưa khái niệm “trưng dụng, trưng mua đất” vào bên cạnh khái niệm “thu hồi đất”. Công tác quản lý Nhà nước đối với việc “trưng dụng, trưng mua” như thế nào sẽ có cơ chế, chính sách riêng quy định. Liên quan đến điều khoản quy định về “bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”, bà Tâm cũng đề nghị trong khoản 1, điều 83 phải đưa nội dung “tổ chức cuộc sống mới cho cộng đồng dân cư” bên cạnh việc “bố trí tái định cư” nhằm giải quyết tốt hơn việc chăm lo đời sống của người bị giải tỏa thu hồi đất. |
Bình luận (0)