Sáng 25-8, Thành ủy TP HCM đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt các quận ủy, huyện ủy, Đảng ủy cấp trên cơ sở và Đảng ủy cơ sở trực thuộc Thành ủy cùng lãnh đạo sở, ban, ngành thành phố để góp ý đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải chủ trì hội nghị.
Mang lại lợi ích cho người dân
Theo ông Phạm Công Nghĩa, Bí thư Quận ủy - Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, đề án đã lý giải được những vấn đề ở cơ sở và mục tiêu là mang lại lợi ích cho người dân. Vì vậy, cần thông tin đầy đủ để người dân hiểu rõ lợi ích của đề án, để họ không băn khoăn về tính ổn định của mô hình chính quyền đô thị như việc “tách ra, nhập vào” trước đây.
Ông Nghĩa khẳng định những nơi được chọn thí điểm nhất thể hóa đã thực hiện việc công nhanh, hiệu quả. Tương tự khi thành phố không tổ chức HĐND quận, huyện, phường nhưng vẫn thực hiện tốt vai trò giám sát của MTTQ, người dân. Xuất phát từ thực tế đó, ông Phạm Công Nghĩa nhận định: Việc xây dựng chính quyền đô thị là có cơ sở từ thực tiễn phát triển của TP HCM. Khi quy mô kinh tế, chính trị, xã hội đã thay đổi thì cần một mô hình hợp lý là cần thiết.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội (QH) Huỳnh Ngọc Ánh lo lắng: Chúng ta đã xây dựng đề án chính quyền đô thị mà không tổng kết toàn diện ưu - khuyết điểm của việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường là chưa ổn. Để thuyết phục QH và các bộ, ngành, đại biểu QH Nguyễn Văn Minh kiến nghị TP HCM cần có kết luận chính thức về việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.
Làm rõ hơn vấn đề này, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho biết theo Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp, mô hình chính quyền đô thị còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó chủ yếu xoay quanh việc thí điểm không tổ chức HĐND. Trong 10 tỉnh, thành phố thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì có 9 đơn vị tích cực ủng hộ và đề nghị mở rộng ra cả nước.
Ngoài ra, đại biểu QH Nguyễn Văn Minh cũng đề nghị TP HCM cần làm rõ chính quyền huyện nay có những bất cập gì, không tốt chỗ nào để nâng cao tính hiệu quả cho đề án. Đồng thời, thành phố phải chứng minh được hiệu quả mang lại bằng con số khoa học.
Không còn cơ chế “xin - cho”
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu đặt ra là mô hình chính quyền đô thị có giúp thành phố tự chủ được tài chính hay không. Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM Trần Văn Thuận cho rằng thành phố cần chủ động về nguồn lực, tài chính để phát triển. Xây dựng chính quyền đô thị sẽ không còn cơ chế “xin - cho”. Việc phân cấp pháp nhân công quyền của chính quyền đô thị là để thể hiện vai trò trách nhiệm của lãnh đạo mà không đổ thừa trách nhiệm cho ai hoặc cho tập thể.
Theo ông Thuận, người dân đang có nhu cầu thật sự về sự thay đổi một cơ chế quản lý. Đây là thời điểm để thực hiện vai trò gần dân, do dân của bộ máy hành chính nhà nước.
Ông Trương Văn Thống, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho rằng “chiếc áo” cơ chế đã quá chật khi TP HCM phát triển quá nhanh. Tất nhiên, thành phố không thể xé áo mà phải tìm cách nới. Theo ông Trương Văn Thống, nếu Trung ương cho phép TP HCM tự chủ tài chính, trong 5 năm sau đó, thành phố sẽ phát triển vượt bậc. Hiện vấn đề ngân sách là mặt cản lớn nhất, gây ít nhiều khó khăn cho thành phố phát triển khi Trung ương chỉ để lại khoảng 23% (nếu trừ các khoản vay thì chỉ còn 7%-8%).
“Bộ Nội vụ mới có ý kiến, còn Bộ Tài chính thì không hề ý kiến gì. Vấn đề là các bộ có giúp chúng ta trong đòi hỏi tự chủ tài chính? Chiếc áo chật là ở chỗ này” - ông Thống nhấn mạnh.
Đồng tình, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng cần thuyết minh rõ để Trung ương quan tâm mình “xin” cái gì, đặc biệt là mặt tài chính, trong khi hằng năm, thành phố nộp ngân sách đều tăng lên nhưng được giữ lại thì rất ít. Trung ương cũng như các tỉnh, thành phố khác phải chia sẻ để TP HCM được tự chủ. TP HCM phát triển thì sẽ đóng góp tốt hơn, nhiều hơn cho sự phát triển chung của cả nước.
Nên giải tỏa tâm trạng về nhân sự Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Nguyễn Văn Hoa cho biết là người ở chính quyền cơ sở, ông rất ủng hộ và nhất trí với mục đích của chính quyền đô thị là gần dân hơn. Tuy nhiên, ông băn khoăn rằng theo đề án, Hóc Môn sẽ sáp nhập với quận 12 để thành lập TP Bắc. Như vậy, nhân sự sẽ dôi ra rất lớn. “Cán bộ cơ sở đang bàn tán, xôn xao dữ lắm. Họ không biết tương lai mình về đâu. Lãnh đạo thành phố cần giải quyết sớm tâm trạng này để anh em yên tâm làm việc” - ông Nguyễn Văn Hoa bày tỏ. |
Bình luận (0)