Nội dung được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung phản ánh vào chiều 21-5 trong phiên thảo luận tổ về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII năm 2014 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, chủ yếu xoay quanh việc có nên sớm đưa ra bàn thảo và thông qua Luật Biểu tình.
Còn lo ngại
Mở đầu phiên thảo luận tại tổ TP HCM, ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, nói để bảo đảm cho người dân có cơ sở biểu tình một cách ôn hòa và đúng luật thì kỳ họp thứ 8 (dự kiến vào tháng 10-2014) cần đưa vào chương trình dự thảo Luật Biểu tình.
Theo ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP HCM), những sự kiện vừa qua cho thấy công nhân và sinh viên rất bức xúc trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc. “Thời gian tới, nếu tình hình căng thẳng hơn thì sẽ rất khó để đặt hoạt động của sinh viên trong tầm kiểm soát. Nếu không có luật điều chỉnh những hoạt động này thì sẽ khó khăn, khó phân định được cái nào đúng pháp luật, cái nào sai” - ĐB Đạt nói.
Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, ĐB Lê Hiền Vân (Hà Nội) cho rằng xem xét Luật Biểu tình lúc này là chưa phù hợp. Nếu có Luật Biểu tình thì vừa rồi không phải chỉ có Bình Dương, Vũng Áng (Hà Tĩnh) mà còn nhiều nơi biểu tình, ai quản lý? ĐB Nguyễn Văn Thanh (Hà Nội) cũng chung quan điểm.
ĐB Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết khi chưa có điều kiện ban hành Luật Biểu tình thì Chính phủ đã có Nghị định 38/2005 quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng. Trong đó, việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với UBND có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đăng ký.
Không có luật, dễ lúng túng
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng một trong những nhu cầu rất lớn của nhân dân là biểu tình. Đó là quyền con người, được Hiến pháp quy định, nhà nước phải bảo đảm nhưng đến nay chưa có khung pháp lý. Vừa rồi phát sinh việc Trung Quốc xâm lấn biển đảo, gây lúng túng và từ đó có hành vi bạo động, bạo loạn mà không có quy định chi tiết để cơ quan chức năng hành xử.
ĐB Nghĩa cho rằng cần bổ sung việc xây dựng Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật tại kỳ họp thứ 8 để kỳ họp thứ 9 (tổ chức tháng 5-2015) thông qua. Cũng theo ĐB Nghĩa, ý kiến cho rằng xuất hiện Luật Biểu tình sẽ khiến “người ta làm quá đáng” là nhận định sai. Các sự việc vừa rồi cho thấy việc thiếu kiểm soát, quá khích là do không có Luật Biểu tình.
ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH, cho rằng Luật Biểu tình cần sớm được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để QH xem xét ban hành. ĐB Thảo nói: “Cá nhân tôi thấy nên sớm có luật này. Với tình hình hiện nay, nếu không có Luật Biểu tình, lực lượng công an sẽ rất vất vả. Một số dự luật trong chương trình chưa thực sự cấp bách thì có thể lùi lại để ưu tiên Luật Biểu tình trước”.
ĐB Phan Văn Quý (Nghệ An) nhất trí: “Cần có Luật Biểu tình để tránh việc kẻ xấu lợi dụng gây hậu quả xấu như vừa xảy ra. Tôi đề nghị xem xét Luật Biểu tình càng sớm càng tốt để quản lý được trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện người dân thể hiện được quan điểm của mình”.
Chương trình xây dựng luật chưa có hệ thống
ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng QH nên chọn từng nhóm vấn đề, không thể kỳ họp nào cũng đưa ra đủ thứ luật nhưng tính hệ thống không có. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) phản ánh: “Cử tri nói việc làm luật mất thời gian nhưng luật đi vào cuộc sống giới hạn, rất chậm và gây ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân”. ĐB Trương Trọng Nghĩa thì cho biết trước đây QH đã ra nghị quyết giao Chính phủ xây dựng Luật Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia theo đề xuất của cá nhân ông nhưng đến giờ chưa biết tiến độ tới đâu. ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) nói nhiều luật còn quá sơ sài nhưng đã được đưa ra bàn thảo, như Luật Căn cước công dân. “Những ngày qua cho thấy lực lượng cảnh sát biển đang làm những việc rất quan trọng nên cần thiết sớm phải xây dựng Luật Cảnh sát biển” - bà Dung kiến nghị.
Bình luận (0)