Hội thảo do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 18-10, tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, con số 48.700 doanh nghiệp (DN) phá sản cho thấy nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, kết quả tích cực của mô hình tăng trưởng trước đây đã đi đến giới hạn cuối cùng, đặt ra yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Trong phần thảo luận về giải pháp ứng phó của Việt Nam, ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đề xuất: Chính phủ cần quyết liệt cắt giảm đầu tư công như bán đứt, thậm chí bán lỗ những dự án dở dang, không nhất thiết phải nắm trong khi tư nhân làm được, lấy nguồn lực này để sử dụng hiệu quả hơn. “Đồng thời, bán lại cả những DN Nhà nước đang có lãi mà Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ” - ông Trần Xuân Giá gợi ý thêm.
Ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thẳng thắn: “Theo thông lệ quốc tế, tỉ trọng DN Nhà nước trong GDP chỉ chiếm khoảng 4%-5%, lên đến mức 7%-8% là họ đã bán bớt. Do đó, vấn đề xảy ra trong khu vực DN Nhà nước của họ chỉ gây cảm giác như giẫm lên cát, còn ở Việt Nam, DN Nhà nước quá nhiều nên cảm giác đau như giẫm lên đá tai mèo” - ông Lê Xuân Bá phân tích.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng ứng phó của Việt Nam lúc này là cần giảm ngay lạm phát xuống 6%-7% vào năm 2012 để chặn xu hướng phá sản, đóng cửa DN đang diễn ra và giảm khó khăn cho đời sống người dân. Lúc này, Việt Nam cần “chịu đau” để thực hiện tái cấu trúc toàn diện. Biện pháp đầu tiên, theo ông Thiên là phải cải cách tiền lương trong khu vực Nhà nước để tăng cam kết chính trị, ràng buộc trách nhiệm. Với cách trả lương méo mó như hiện nay, không thể có bộ máy Nhà nước đủ năng lực để thực hiện tái cấu trúc.
Theo ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện nay tỉ lệ nợ xấu thực tế cao hơn con số chính thức. Nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ phải trả giá đắt. Vì vậy, cần phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là vấn đề nhạy cảm, cần có lộ trình, bước đi thích hợp. Trước hết, phải lành mạnh tài chính hệ thống ngân hàng, ngăn chặn nợ xấu, không để đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. Trong thời điểm hiện nay, quyết không để đổ vỡ bất kể ngân hàng nào. Đây là việc làm vì lợi ích chung. Tùy “sức khỏe” của từng ngân hàng mà có sự tái cơ cấu khác nhau. Sau khi có những bước chuẩn bị như vậy mới nói đến sáp nhập và giải thể.
Bình luận (0)