Ngày 16-7 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh mía đường Việt Nam chuẩn bị hội nhập ASEAN”. Hội thảo có sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), nông dân trồng mía, doanh nghiệp và đại diện của nhiều nước có ngành mía đường phát triển.
Nhập lậu gần 500.000 tấn đường/năm
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mỗi năm, nước ta sản xuất 1,4 -1,6 triệu tấn đường. Việc kinh doanh chủ yếu phục vụ nội địa nhưng gặp nhiều khó khăn vì giá đường quyết định bởi thị trường tự do. Có thời điểm giá đường lên đến 17.000 đồng/kg nhưng cũng có khi chỉ còn 10.000 đồng/kg. Điều đáng nói, giá đường Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực khoảng 2.000 đồng/kg. Đó là chưa kể số liệu năm 2014 cho thấy đường nhập lậu và gian lận thương mại ước khoảng 400.000 đến 500.000 tấn.
“Đây là những thách thức rất lớn khi năm 2016, Việt Nam thí điểm đấu thầu nhập khẩu đường với hạn ngạch đã cam kết theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - nhập 81.000 tấn/năm, mỗi năm tăng thêm 5%. Trong khi đó, các hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ, thuế nhập khẩu đường trong khối ASEAN từ 30% hiện nay còn 5% và 0% vào năm 2018” - ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lo ngại.
Ông Nguyễn Bái Dương, đại diện Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối - Bộ NN-PTNT, cho biết giá đường Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực do giá mía nguyên liệu cao vì ruộng mía manh mún, hạ tầng yếu kém nên rất khó áp dụng cơ giới hóa; việc áp dụng kỹ thuật trồng trọt còn hạn chế, chất lượng mía thấp; chi phí vận chuyển cao…
Doanh nghiệp kinh doanh đường khó một thì nông dân khó mười. Ông Trần Lâm, người trồng mía ở Ninh Thuận, cho biết việc trồng mía phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá thu mua lại thất thường. Năm nay hạn lớn, gia đình ông chỉ trồng được 2 ha. Trong khi năm trước, năng suất đạt 65 tấn/ ha thì năm nay chỉ còn 50 tấn/ha.
Liên kết chặt chẽ 4 nhà
Nói về việc ngành mía đường Việt Nam yếu thế so với các nước trong khu vực, ông Nguyễn Thành Long lưu ý nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì nông dân không dám đầu tư sản xuất nữa. Vì vậy, cần có sự liên kết chặt chẽ 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà kinh doanh và nhà nước. Trong đó, nhà nước đóng vai trò nhạc trưởng.
“Chính phủ cần thông qua một nghị định về mía đường để định hướng, quy hoạch và có các chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm giúp 3 nhà còn lại có tay vịn, tự tin phát triển, cạnh tranh” - ông Long đề xuất.
Ông Phạm Hồng Dương, đại diện Tập đoàn Mía đường Thành Thành Công, đề nghị xây dựng bộ tiêu chí đối với sản phẩm đường để đường trong nước đủ sức cạnh tranh với nước ngoài. Bên cạnh đó, phải tăng cường các giải pháp nâng cao năng suất mía, giảm giá thành sản xuất
Vị đại diện đến từ Thái Lan, nước đứng đầu xuất khẩu đường ở ASEAN, cho biết nước này có đạo luật mía đường từ 30 năm trước nhằm bảo đảm 70% lợi nhuận cho nông dân, 30% cho nhà máy. Thái Lan cũng có quỹ mía đường để ổn định an ninh vùng mía.
Trong khi đó, đại biểu đến từ Brazil, nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu đường, cho rằng khâu chọn giống, tưới tiêu, cải tạo đất rất quan trọng để nâng cao năng suất. Brazil có 4 trung tâm nghiên cứu tạo giống để tìm ra giống thích hợp cho 5 vùng mía có độ dinh dưỡng khác nhau. Ngoài ra, theo đại biểu này, cần cơ giới hóa sản xuất, tận dụng tối đa phụ phẩm để giảm giá thành sản xuất.
Bình luận (0)