Những ngày qua, hàng triệu người dân cả nước xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của tài xế xe tải Phan Văn Bắc cùng với tài xế xe khách Phan Văn Toàn đã cứu hơn 30 người trong vụ xe khách bị mất thắng khi đổ đèo Bảo Lộc vào ngày 6-9. Với việc đặc cách trao giải thưởng “Vô lăng vàng 2016” cho tài xế Bắc, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho rằng cần nhân rộng những “Vô lăng vàng” như thế trong đội ngũ những người vận chuyển.
Tài xế đâu phải “hung thần”
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, mong muốn các cấp ngành chức năng lấy đây làm cơ sở để đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự lan tỏa về gương người tốt việc tốt trong đội ngũ tài xế cũng như doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Ông Hùng cho biết trước đây, người dân quý trọng gọi những người lái xe là “bác tài”, còn bây giờ thì cái tên thân thuộc này ít được nhắc đến. Thậm chí, khi nhắc đến họ thì nhiều người phản ứng rất tiêu cực, gọi là “hung thần”, thậm chí thiếu tôn trọng gọi là “thằng lái xe”. “Mỗi ngày có hàng triệu chuyến đi an toàn, có hàng triệu tấn hàng hóa được chuyên chở khắp mọi miền. Mỗi ngày cũng có hàng trăm ngàn người con xa quê được về thăm cha mẹ. Các “bác tài” xứng đáng được xã hội trân trọng, dù vẫn còn người này người khác thiếu trách nhiệm khi tham gia giao thông” - ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng bày tỏ nhiều trăn trở khi bản thân cũng như các đồng nghiệp của mình đã dành rất nhiều nỗ lực, tổ chức giải thưởng này, hội thảo kia, đẩy mạnh truyền thông thay đổi nhận thức xã hội, thay đổi thành kiến đối với các “bác tài” nhưng kết quả còn rất hạn chế, khi hằng ngày trên khắp mặt báo, mạng xã hội, những câu chuyện xấu, những hình ảnh tồi tệ, những lời lẽ khiếm nhã về lái xe kinh doanh vận tải vẫn còn quá nhiều so với những gì tốt đẹp, tử tế.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, gắn logo “Vô lăng vàng” cho tài xế đoạt giải năm 2015 tại TP HCM Ảnh: GIA MINH
Ông Khuất Việt Hùng cho rằng câu chuyện nhân văn về tài xế cứu xe khách là động lực mãnh liệt thay đổi suy nghĩ, tình cảm của nhiều người về cánh lái xe tải nói riêng và lái xe kinh doanh vận tải nói chung. “Nó cũng sẽ tạo nguồn cảm hứng mới để những người tài xế chưa tốt nhìn lại mình” - ông Hùng bộc bạch.
Theo ông Khuất Việt Hùng, để có nhiều hơn những “Vô lăng vàng” như thế, trong trách nhiệm được giao, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT quốc gia sẽ tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe một cách chặt chẽ. Việc đào tạo không chỉ là dạy về luật và các quy định mà cần phải có những tình huống cho lái xe về mặt kỹ năng, trình tự để ra một quyết định cụ thể. “Phải có những thông điệp và tạo niềm tin để cho người lái xe tự hào về nghề nghiệp của mình, giúp họ vững vàng cầm vô lăng” - ông Hùng nhấn mạnh.
Lan tỏa gương người tốt
Với việc đặc cách trao giải thưởng “Vô lăng vàng 2016” cho tài xế Bắc, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, kỳ vọng sẽ nhân rộng hơn nữa những “Vô lăng vàng” trong đội ngũ tài xế, nhất là trong thời điểm ủy ban đang phát động giải thưởng “Vô lăng vàng năm 2016” (dự kiến trao giải vào cuối năm nay).
Theo ông Thái, giải thưởng hướng đến việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ đến đội ngũ tài xế, doanh nghiệp vận tải và xây dựng môi trường văn hóa giao thông cho cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu kéo giảm mạnh tai nạn giao thông.
Không chỉ với giải thưởng này, hành động của tài xế Bắc và tài xế Toàn đang được các địa phương, cơ quan chức năng lấy làm người thật việc thật để lồng ghép vào các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông và trách nhiệm cộng đồng trong giới tài xế.
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Lâm Đồng, việc nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến những quy định của pháp luật; vận động tham gia giao thông an toàn là công việc thường xuyên của Ban ATGT tỉnh. Hằng năm, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng tổ chức rất nhiều buổi tập huấn về lái xe an toàn, các cuộc thi về ATGT tại các địa phương trong 12 huyện và TP Đà Lạt. Với vụ việc xảy ra trên địa bàn, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị các cơ quan chức năng trên địa bàn lấy đây làm trường hợp điển hình để lồng ghép, triển khai hiệu quả hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn; qua đó tác động vào từng hành vi, giúp cho những người điều khiển phương tiện giao thông quan tâm hơn và có ý thức tốt hơn khi tham gia giao thông.
Kỳ vọng tạo ra sự lan tỏa về gương người tốt việc tốt trong đội ngũ tài xế cũng như thay đổi cách nhìn thiện cảm hơn về những người vận chuyển, ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, kêu gọi: “Chúng ta cần phải xây dựng một nếp văn hóa giao thông, không tính toán thiệt hơn, sẵn sàng giúp người khi gặp hoạn nạn. Khi đó, lòng quả cảm, tương thân tương ái sẽ được phát huy, lan tỏa, nhân rộng, vượt qua nỗi sợ hãi, lợi ích bản thân để cứu người”.
130 tài xế được trao giải “Vô lăng vàng”
Giải thưởng “Vô lăng vàng” được Ủy ban ATGT quốc gia triển khai từ năm 2013, ngày càng thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp kinh doanh vận tải và đội ngũ tài xế trên cả nước. Trong năm 2015, có trên 300 đơn vị và 5.000 tài xế tham gia giải thưởng. Sau 3 năm phát động và tổ chức, đến nay có 44 tập thể và 130 tài xế được trao giải “Vô lăng vàng”. Cụ thể, năm 2013 có 10 tập thể và 30 tài xế được trao giải “Vô lăng vàng”; năm 2014 có 12 tập thể, 50 tài xế và năm 2015 có 22 doanh nghiệp và 49 tài xế được tôn vinh.
Ông LƯU TIẾN CHINH, Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng:
Cần hành động cụ thể
Huyện Đạ Huoai là địa phương có những tuyến đường ngoằn ngoèo vô cùng nguy hiểm, trong đó có đèo Bảo Lộc, nên cần lắm những “Vô lăng vàng”. Tôi cũng băn khoăn tại sao trước đây, chúng ta quý trọng gọi những người lái xe là “bác tài” nhưng trong thời gian vừa qua, khi nhắc đến hai từ tài xế, người dân phản ứng rất tiêu cực, gọi là “hung thần” trong khi họ có vai trò vô cùng quan trọng. Các tài xế cần được xã hội trân trọng và để được như vậy thì phải chú trọng nâng cao nhận thức cho họ bằng những việc làm cụ thể.
Tôi cho rằng từ vụ việc vừa qua trên đèo Bảo Lộc, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phát động sâu rộng giải thưởng “Vô lăng vàng”. Việc tuyên dương, biểu dương những tấm gương nghĩa hiệp, quả cảm phải hết sức được coi trọng, không phải với mục đích là thúc đẩy thi đua lập công hay được nổi tiếng mà nhằm tạo ra một tinh thần nhân ái rộng khắp, khuyến khích làm việc thiện một cách tự giác, tự nguyện. Đây là nguồn động viên quan trọng vào giới tài xế nhằm phòng tránh tai nạn giao thông, là niềm tin của người dân mỗi khi đi đường.
Ông BÙI DANH LIÊN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội:
Đẩy mạnh tuyên truyền gương điển hình
Để nhân rộng những điển hình và lan tỏa giải thưởng “Vô lăng vàng”, các hiệp hội vận tải, doanh nghiệp vận tải cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền gương người tốt việc tốt. Tấm gương của anh Bắc cần lồng ghép vào các hoạt động tuyên truyền, đưa vào tài liệu tập huấn nâng cao nhận thức cho người lái xe. Ca ngợi tấm gương dũng cảm cứu người để phát huy ý thức, đạo đức, hành xử của người lái xe cũng là cách ngăn ngừa hành vi thiếu trách nhiệm với xã hội khi tham gia giao thông, như: uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, chích hút ma túy, lái xe bằng chân, chạy ngược chiều… gây ra tai nạn giao thông.
Ông ĐẬU AN PHÚC - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng - Sở GTVT TP HCM:
Luôn vì hành khách
Nhằm nâng cao tinh thần tương thân tương ái, thương người như thể thương thân, trung tâm chúng tôi luôn kêu gọi đội ngũ tài xế và nhân viên phục vụ phải hết lòng vì hành khách. Thời gian qua cũng đã có nhiều tài xế được chúng tôi tuyên dương vì đã có những nghĩa cử trong việc giúp đỡ người dân khi tham gia giao thông trên các phương tiện công cộng.
Chúng tôi xem vụ việc cụ thể này để tuyên truyền, nhắc nhở tài xế, nhân viên của trung tâm học tập, noi theo.
T.Đồng - Đ.Thi - V.Duẩn ghi
Bình luận (0)