Chiều 23-6, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) đã họp bàn biện pháp ứng phó với bão số 1. Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương, nhận định trọng tâm của bão đổ bộ là vùng bờ biển Quảng Ninh và mang theo lượng mưa khá lớn.
Từ đêm 23-6 đến ngày 25-6, ở Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to; riêng khu vực Đông Bắc và vùng núi, trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu từ 3-6 m, ở hạ lưu từ 2-3 m. Nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương, nhắc lại cơn bão số 2 năm 2014 (bão Ramasun có đường đi gần giống bão số 1 năm nay), khi vào đất liền cũng không mạnh nhưng hoàn lưu cơn bão mới thật sự khủng khiếp.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đêm đó, trực chống bão tại Quảng Ninh, ai cũng phấn khởi vì bão đổ bộ nhưng không gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên, đêm 19 và 20-7, hoàn lưu bão gây mưa to ở vùng núi và trung du Bắc Bộ. “Cuối cùng hoàn lưu bão đã làm 31 người chết và 1 người mất tích, chủ yếu chết là do sạt lở núi và bị nước cuốn trôi” - ông Phát nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang và một số tỉnh miền núi phía Bắc khác không được có tâm lý chủ quan trong chống bão.
“Nếu lượng mưa 400-500 mm thì sẽ ngập luôn cả TP Lạng Sơn và cánh đồng Trà Lĩnh, rất nguy hiểm. Vì vậy, cần phải đôn đốc, kiểm tra những nơi có nguy cơ sạt lở núi” - Bộ trưởng nhấn mạnh và nhắc lại: “Khi bão Ramasun đổ bộ, tỉnh Lạng Sơn cũng đôn đốc nhưng có mấy lán của công nhân làm thuê thì không kiểm tra và không nhắc nhở, hậu quả là 6 người chết vì sạt lở núi”.
Ông Cao Đức Phát cũng yêu cầu các địa phương vùng núi phía Bắc cần rà soát vùng ven sông để cảnh báo nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân, bởi những ngày vừa qua, có tỉnh có lượng mưa đã lên đến 300 mm nên nguy cơ lũ gây ngập lụt rất lớn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, 7 giờ hôm nay (24-6), vị trí tâm bão ở trên vùng biển ven bờ Quảng Ninh - Hải Phòng, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10.
Hỗ trợ du khách mắc kẹt ở Cô Tô
Tính đến chiều 23-6, công tác phòng chống bão số 1 tại 2 tỉnh dự kiến bão sẽ đổ bộ là Quảng Ninh và Hải Phòng đã sẵn sàng, công tác di dời dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở cũng hoàn tất. Quảng Ninh đã ban bố lệnh cấm biển từ sáng 23-6 trong khi ở Hải Phòng là 17 giờ cùng ngày.
Cơn bão đã khiến 546 khách du lịch bị mắc kẹt ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và nhiều chuyến bay đi và đến sân bay Cát Bi (Hải Phòng) phải hủy. Lãnh đạo UBND huyện đảo Cô Tô cho biết đã chỉ đạo các nhà nghỉ, khách sạn có phương án giảm giá phòng, bố trí ăn uống cho du khách bị mắc kẹt trên huyện đảo này.
Bình luận (0)