Gần đây, nhiều người tìm mua sản phẩm miếng dán thải độc (400.000 - 600.000 đồng/hộp 30 gói). Những người bán hàng cho biết khi dán miếng này, chúng hấp thụ chất độc và cặn bã thông qua các huyệt đạo tại gan bàn chân. Sản phẩm này còn “giúp lưu thông khí huyết, giãn cơ bắp, giúp dây thần kinh khỏe mạnh, góp phần giải quyết nhiều bệnh hiệu quả như: đau đầu, đau lưng, viêm khớp, mất ngủ; điều trị biến chứng cho người bị bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, giảm mệt mỏi”.
Chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh miếng dán có tác dụng thải độc trong cơ thể
Dán vào gan bàn chân, miếng dán ngả sang màu nâu đen hay xám đen, ướt và dính mỡ nhờn... chính là các chất cặn bã được đào thải khỏi cơ thể. Trong khoảng 10 đến 15 ngày dùng liên tục, màu đen giảm hẳn, “cho thấy hiệu quả hút độc tố ra khỏi cơ thể”.
“Đây được coi là bước tiến mới trong nền y học, được các chuyên gia y tế khuyến cáo sử dụng. Miếng dán này cũng có thể dán ở các vùng da khác như tay, lưng, bụng - nơi bị đau nhức cơ bắp, nổi mụn nhọt, phát ban ngứa do suy giảm chức năng gan…” - người bán tư vấn.
Tuy nhiên, bác sĩ Bùi Văn Khánh, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết từng khám cho một số bệnh nhân bị dị ứng với các sản phẩm thải độc, trong đó có miếng dán thải độc vào gan bàn chân.
Theo bác sĩ Nghiêm Hữu Thành, nguyên Giám đốc Bệnh viện Châm cứu trung ương, thực hư công dụng của miếng dán này như thế nào chưa rõ nhưng ông từng khám cho những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn vùng da gan bàn chân do khi bóc miếng dán ra đã xé rách cả mảng da, thậm chí bị nhiễm trùng “ăn” cả một góc bàn chân. “Dù chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh song nhiều người vẫn sử dụng vì tin vào những lời quảng cáo thần kỳ. Điều này rất nguy hiểm” - bác sĩ Thành cảnh báo.
Các chuyên gia Viện Hóa học - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam từng phân tích thành phần có trong miếng dán này. Theo PGS-TS Phạm Gia Điền, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, kết quả phân tích cho thấy sản phẩm không có tác dụng giải độc cơ thể như quảng cáo, thậm chí còn gây hại vì thành phần axít glycolic ghi trên bao bì có thể gây phản ứng cho da khi tiếp xúc. Thành phần này được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, có tác dụng tẩy da chết vì tính axít cao, dễ hòa tan.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, khẳng định trong y học cổ truyền chưa có bằng chứng nào cho thấy các chất độc và cặn bã của cơ thể được đào thải qua lòng bàn chân. Việc sử dụng các phương pháp day, ấn huyệt ở gan bàn chân cũng chỉ góp phần cải thiện bệnh vì đây là nơi tập trung nhiều dây thần kinh. Tuy nhiên, không phải tất cả tổn thương của cơ thể đều tập trung ở lòng bàn chân và có thể hút ra ngoài. Việc sử dụng miếng dán ở lòng bàn chân khi chưa được chứng minh về tác dụng là điều vô cùng nguy hiểm. Dưới gan bàn chân có hệ thống dây thần kinh cùng nhiều huyệt quan trọng. Vì thế, những tác động vào phần này, dù rất nhỏ, cũng có thể gây ảnh hưởng tới các bộ phận khác trên cơ thể, đặc biệt là các cơ quan nội tạng.
Theo bác sĩ Hướng, người dân - nhất là người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp… - không nên nghe theo quảng cáo mà bỏ những loại thuốc đặc trị khiến bệnh tình biến chứng nặng nề hơn.
Cục Quản lý Dược và Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khẳng định đến nay chưa cấp phép lưu hành cho sản phẩm miếng dán giải độc nào.
Bình luận (0)