xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Càng gần Tết càng ham sống

Mạnh Duy - Ngọc Dung

Cư dân ở “xóm chạy thận” (những người mắc bệnh suy thận mãn) lại bồn chồn đón một mùa Xuân nữa. Nghị lực sống và khao khát vượt qua bệnh tật của họ dường như cứ Tết đến lại nhân lên gấp bội

Chúng tôi đến xóm chạy thận, một địa chỉ đặc biệt, nơi quần cư của những bệnh nhân điều trị chứng suy thận mãn nằm cạnh Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào một chiều cuối năm. Nhìn dòng người tấp nập đang hối hả đón xe về quê ăn Tết, các bệnh nhân suy thận mãn vẫn bình thản. Tết với họ là một khoảnh khắc rất ngắn ngủi, khi nỗi buồn và mặc cảm về bệnh tật thấm thía hơn, đồng thời cũng là lúc họ khát khao được sống nhất.
 
img

Những cư dân ở “xóm chạy thận” cạnh Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thèm được đón Tết như bao người bình thường khác. Ảnh: Mạnh Duy

 
Vừa ăn Tết vừa chạy thận
 
Trong một ngách nhỏ nằm sâu trong “xóm chạy thận”, những người có “thâm niên” định cư nơi đây đang nói chuyện về Tết. Họ cũng quan tâm đến cuộc sống thường nhật như bao người bình thường khác, như chuyện trời rét quá dài, chuyện giá thực phẩm leo thang. Nếu có khác thì chỉ là ở điểm họ vừa phải lo cuộc sống vừa đang phải mang một “bản án” khắc nghiệt. Mắc suy thận mãn cũng có nghĩa là phải sống chung thân với bệnh viện, phải chạy thận cả đời để duy trì sự sống.
 
Ông Nguyễn Văn Tuấn (72 tuổi, quê Bắc Ninh), một trong những người cao tuổi nhất xóm, mời chúng tôi vào căn phòng nhỏ ông đang thuê để ở và trị bệnh. “Tết đến ai cũng mong về nhà nhưng vì hoàn cảnh và đặc thù điều trị bệnh suy thận mãn nên hầu hết người trong xóm chạy thận vẫn ở lại đây vừa ăn Tết vừa điều trị” - ông Tuấn rầu rĩ.
 
Ở “xóm chạy thận” này mỗi người một quê, hoàn cảnh và độ tuổi cũng khác nhau, song chung một nỗi khổ là đang chống chọi với căn bệnh suy thận mãn. Đồng bệnh tương lân, họ dễ cảm thông và chia sẻ với nhau hơn. Trở thành những người hàng xóm bất đắc dĩ của nhau, họ phải tương trợ mà sống.
 
Khi chúng tôi đang trò chuyện thì ông Trần Đăng Đáp (54 tuổi, quê Nam Định), hàng xóm của ông Tuấn, sang chơi. Người đàn ông với nước da xám có hoàn cảnh éo le nhất xóm. “Con gái ông Đáp vừa chạy thận vừa đi làm nuôi ông ấy” - ông Tuấn cho biết. Hai cha con ông Đáp mới đến xóm này chỉ một năm.
 
“Muốn sống thì phải vượt qua cái khổ, quên cái khổ đi thôi” - ông Đáp nói vậy nên đến chiều 30 Tết này, cha con ông dự định đón chuyến xe khách muộn về quê sau khi chạy thận xong. “Chắc ăn xong bữa cơm giao thừa, ngay trong ngày đầu năm, cha con tôi phải trở lại xóm trọ. Dù muốn lắm nhưng đâu có thể ở nhà lâu hơn được” - ông Đáp tâm sự.
 
Giàu tình người
 
Cư dân của “xóm chạy thận” có hơn trăm người thì chỉ khoảng một nửa số đó có cơ hội về quê ăn Tết. Những người còn lại phải 2 ngày một lần chạy thận. Với họ, Tết chỉ là lúc xóm này vắng người đi một chút và họ cảm thấy cô đơn hơn.
Mấy năm gần đây, những người ở lại “xóm chạy thận” đón Tết vẫn góp tiền mua gạo, đậu xanh để có một nồi bánh chưng ăn chung. “Không ăn được bao nhiêu chỉ để có không khí Tết là chính. Hơn nữa, mỗi người được một cái bánh chưng cũng thấy ấm lòng. Trước đây khi chưa có phong trào gói bánh chưng Tết, những người sống một mình cứ đi ra đi vào, bồn chồn sốt ruột lắm vì nhớ nhà. Bây giờ, có nồi bánh chưng nên xóm là nhà, hàng xóm cũng thành người thân rồi” - ông Nguyễn Văn Tuấn kể.
 
Nhiều năm qua, “xóm chạy thận” đã trở thành địa chỉ lui tới quen thuộc của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân. Quà tặng có khi chỉ là gói mứt Tết hay vài lạng giò nhưng đã khiến không ít người xúc động rơi nước mắt. Ở đây, củ sắn, củ khoai mọi người cũng bẻ ra chia cho nhau.
 
Sống để yêu thương
 
Hồi quen biết nhà văn trẻ Nguyễn Hồng Công (một cư dân ở “xóm chạy thận” đã ra đi mãi mãi), chúng tôi vẫn chưa hiểu thấu vì sao chị lại đặt tên cho cuốn sách đầu tay của mình là Khát vọng yêu để sống. Sau này, có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với những bệnh nhân suy thận mãn khác ở đủ mọi lứa tuổi tại xóm này, chúng tôi nhận ra tất cả họ đều ấp ủ khát vọng sống rất mãnh liệt. 
 
Để được sống, nhiều người đã tạm cư rồi định cư hẳn ở đây. Câu chuyện của gia đình anh Bùi Anh Quang (quê Cao Bằng) là minh chứng cho ý chí sắt đá vượt qua hoàn cảnh đầy nghiệt ngã. Mắc bệnh từ nhiều năm trước, anh cùng cả gia đình chuyển tới đây sinh sống, làm việc để quên rằng mình đang mắc bệnh. Vợ chồng anh lập một tổ máy khâu gồm vài chị em là vợ các bệnh nhân chạy thận, nhờ đó họ có niềm vui vì được làm việc, lại có tiền trị bệnh. 
 
Một trường hợp vượt lên số phận khác là anh Mai Anh Tuấn (quê Nam Định). Hằng ngày anh phải chạy xe ôm kiếm tiền để chữa bệnh, đồng thời dành dụm gửi tiền về quê phụng dưỡng mẹ già 80 tuổi và người vợ bị bệnh.
 
Chúng tôi thầm cảm phục những người mắc suy thận mãn và những người chồng, người vợ của họ đã không nhụt chí mà vẫn hằng ngày tần tảo lao động để nuôi mình hoặc nuôi bạn đời vượt qua bạo bệnh.
 
16 cái Tết ở “xóm chạy thận”
 
“Ai cũng biết chúng tôi đã và sẽ dính chặt với... bệnh viện nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi mất hẳn niềm vui khi Tết đến. Thực tế có nhiều gia đình đã mua đất, xây nhà và sống hạnh phúc ngay ở xóm này mười mấy năm qua. Cuộc sống của người chạy thận nhân tạo vất vả bao nhiêu họ càng thèm sống bấy nhiêu” - ông Nguyễn Văn Tuấn nói.
 

Chị Dương Thị Thanh Nhàn, quê Hải Phòng, đã bán nhà ở TP cảng và chuyển đến mua nhà ở “xóm chạy thận”. Chị đã đón 16 cái Tết ở xóm này. Các con chị nay cũng đã lớn và có công việc ổn định.

 
Kỳ tới: Ba mươi chưa phải là Tết
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo