Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp về Thái Bình, Hải Phòng vào sáng 27-7 để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 1. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện gửi các bộ - ngành; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa yêu cầu chủ động đối phó bão.
Bảo đảm an toàn tính mạng người dân
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa khẩn trương triển khai hoàn thành việc kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trong vịnh Bắc Bộ vào nơi trú tránh; hướng dẫn, sắp xếp việc neo đậu bảo đảm an toàn với các tàu, thuyền đã về bến; căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương quyết định việc cấm biển, kể cả đối với tàu vận tải và tàu du lịch. Tổ chức sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn; chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, triển khai phương án bảo đảm an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch...
Tại Hải Phòng, bắt đầu từ 9 giờ ngày 27-7, huyện Cát Hải đã cho ngừng việc vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc. Đến 12 giờ, chính quyền địa phương đã cấm toàn bộ tàu chở khách du lịch, đò, phà vận chuyển hành khách. UBND huyện chủ động sơ tán lao động trên các bè nuôi trồng thủy sản và nhà hàng nổi trên vịnh Cát Bà, vịnh Bến Bèo vào nơi tránh trú bão an toàn. Trên 300 du khách, trong đó có 80 du khách nước ngoài, đang lưu trú trên địa bàn thị trấn Cát Bà đã được bố trí địa điểm cư trú an toàn. Hơn 1.000 phương tiện tàu, thuyền đánh cá của Hải Phòng và các tỉnh từ miền Trung trở ra và hơn 2.000 lao động trên địa bàn đã tập kết tại khu neo đậu và tránh trú bão Trân Châu.
Tối 27-7, ông Đỗ Đức Hòa - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vỹ, TP Hải Phòng - cho biết: “Cho đến thời điểm hiện tại, tất cả tàu, thuyền đánh cá của ngư dân đã được hướng dẫn, đưa về âu tàu để trú ngụ, neo đậu. Bè, thúng, thuyền nan đã được đưa lên bờ. Trời đang mưa lớn, gió ở ngoài đảo đã mạnh đến cấp 7, cấp 8, biển động mạnh. Chúng tôi đã hoàn tất công tác chuẩn bị để có phương án tốt nhất khi bão đi qua”.
Đến 16 giờ ngày 27-7, bộ đội biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, hướng dẫn 32.150 phương tiện/125.817 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Trong đó: Neo đậu tại bến 31.379 phương tiện/120.687 người; hoạt động ven bờ 771 phương tiện/5.130 người đang di chuyển vào bờ tránh trú và 2.942 lồng, bè, lều, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản/3.804 người trên biển và các đầm bãi.
Bộ Quốc phòng đã điều động 80.062 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và 4.113 các loại trang bị, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xấu xảy ra.
Nhiều tàu cá bị sóng đánh chìm
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, đến tối và đêm 27-7, tại một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương (phát lúc 22 giờ ngày 27-7), vào lúc 21 giờ, ở Văn Lý (Nam Định), đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Hồi 22 giờ, tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ vĩ Bắc; 106,3 độ kinh Đông; ngay trên bờ biển các tỉnh Nam Định - Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 10-12.
Tại tỉnh Nam Định đã có một tàu cá bị sóng đánh chìm. Theo ông Đặng Ngọc Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, chiếc tàu bị chìm mang số hiệu NĐ 91737 CS (240 CV) do ông Lê Văn Tuấn (SN 1989; ngụ thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy) làm thuyền trưởng khi đang vào tránh bão tại cửa sông Sò - Hà Lạn. Đồn Biên phòng Quất Lâm đã kịp cử tàu cứu nạn, đưa cả 3 lao động trên tàu vào bờ.
Tại tỉnh Thái Bình cũng có 2 tàu cá bị mắc cạn tại cửa Diêm Điền, cách bờ 4 hải lý bị sóng đánh chìm lúc 16 giờ 30 phút. Ngay sau đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình đã điều 2 tàu, 1 canô phối hợp với 2 tàu cá của ngư dân cứu nạn 8 thuyền viên an toàn.
Nửa đêm 27 đến rạng sáng 28-7, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Nam Quảng Ninh đến Bắc Thanh Hóa.
Bão sẽ ít hơn trung bình nhiều năm
Theo bà Đặng Thanh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, qua các phân tích và dự báo cho thấy năm nay khả năng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông sẽ ít hơn trung bình nhiều năm (khoảng 12-13 cơn/năm), trong đó sẽ có khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
“Trên biển, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung nhiều hơn tại các khu vực giữa và Nam biển Đông. Mưa và bão lũ xuất hiện nhiều hơn trong khoảng tháng 8 đến tháng 12. Trên đất liền, khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung nhiều hơn tại các tỉnh từ Trung Bộ trở vào Nam Bộ” - bà Mai cho biết.
Bình luận (0)