Cảng Phú Hữu do Công ty TNHH MTV cảng Bến Nghé (trực thuộc Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn - SAMCO) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2007 trên diện tích 24 ha (tại quận 9 - TPHCM) với mục đích gánh vác khối lượng hàng hóa thông qua cảng Bến Nghé sau khi các cảng khác trong khu vực phải di dời theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Xây xong để… ngắm
Trong giai đoạn 1, tổng mức đầu tư cảng Phú Hữu là 327 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP cho mượn 100 tỉ đồng, vay ưu đãi theo chương trình kích cầu 140 tỉ đồng. Sau khi xây dựng xong, cảng Phú Hữu có thể tiếp nhận được tàu có tổng trọng tải 36.000 DWT với 320 m cầu cảng và 2 cầu dẫn, mỗi cầu dẫn dài 32 m, rộng 15 m, đồng thời được đầu tư thêm 3 cần cẩu loại lớn.
Từ năm 2010, cảng Phú Hữu đã được Cục Hàng hải Việt Nam - Bộ GTVT công bố là cảng biển quốc tế và đưa vào khai thác từ cuối tháng 7-2010. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Cừu, Tổng Giám đốc cảng Bến Nghé, cho biết từ đó đến nay, đơn vị này vẫn không thể khai thác được vì chưa có đường vào cảng.
Cảng Phú Hữu xây dựng xong 2 năm nay nhưng chưa được khai thác
Toàn bộ nhà xưởng, cầu cảng, cần cẩu tại cảng Phú Hữu đang nằm phơi sương phơi nắng. Theo ông Cừu, chính vì không hoạt động được, lại đến thời điểm trả nợ vay và phải khấu hao tài sản nên mỗi năm, cảng Bến Nghé phải chi khoảng 40 tỉ đồng cho cảng Phú Hữu. Hiện nay, đường bộ vào cảng Phú Hữu vẫn chỉ là một con đường đất cát dài ngoằng, khập khểnh, hai bên đường cỏ mọc xanh rì và bốc mùi hôi thối của phân bò.
Chưa biết lúc nào xong đường
Ý thức được tầm quan trọng của đường vào cảng nên TP đã ký kết hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 để đơn vị này thi công đường nối từ cảng Phú Hữu đến đường Nguyễn Duy Trinh (dài 2,6 km, rộng 30 m).
Tuy nhiên, do vướng giải phóng mặt bằng nên đến tháng 6-2012, Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 mới khởi công xây dựng tuyến đường. Bà Đặng Thị Hồng Liên, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cho biết đến nay vẫn còn 14 hộ dân chưa di dời. Vì vậy, thời điểm hoàn thành tuyến đường vẫn còn là một ẩn số!
Mặc dù sắp có đường vào cảng Phú Hữu nhưng ông Cừu vẫn rầu rĩ vì “tuy có đường đi nhưng giao thông vẫn không thuận lợi”. Xe sẽ vào cảng bằng tuyến đường BOT mới mở nhưng ra đến đường Nguyễn Duy Trinh lại bị thắt cổ chai vì đường này quá hẹp.
Hiện tại, đường Nguyễn Duy Trinh chỉ có 2 làn xe, nếu xe container xuất hiện trên tuyến đường có mật độ giao thông khá đông đúc này thì tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông sẽ tăng cao, tương tự trường hợp của tuyến Liên Tỉnh lộ 25B trước đây (đường vào cảng Cát Lái). Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng Phòng Quản lý Xây dựng Công trình trọng điểm Sở GTVT, cho biết Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2 đã trình các phương án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh và Sở GTVT đang xem xét để kiến nghị UBND TP.
Theo đó, phương án tối ưu là mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 30 m, tuy nhiên vốn đầu tư lên đến 860 tỉ đồng vì tốn khá nhiều kinh phí để giải phóng mặt bằng. Song song với vấn đề mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, mới đây, UBND TPHCM cũng đã chấp thuận cho nghiên cứu đầu tư 1,5 km đường nối từ Nguyễn Duy Trinh vào đường Vành đai 2, dẫn ra xa lộ Hà Nội.
Phải giải quyết đến 3 dự án giao thông cần thiết cho khu vực nên chưa chắc vài năm nữa cảng Phú Hữu có thể hoạt động được. Trong lần giám sát mới đây, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, cho rằng việc xây dựng cảng Phú Hữu để giảm áp lực giao thông nội đô là điều cần thiết, tuy nhiên hiệu quả đầu tư cảng Phú Hữu chưa cao.
Vì vậy, ông Lâm đề nghị Sở GTVT sớm tham mưu UBND TP cho mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đồng thời đầu tư đường nối từ Nguyễn Duy Trinh đến Vành đai 2 để khai thông đường vào cảng Phú Hữu.
Tiếp tục đầu tư giai đoạn 2
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Công ty TNHH MTV cảng Bến Nghé đã tổ chức đầu tư giai đoạn 2 cho cảng Phú Hữu. Theo đó, chủ đầu tư sẽ xây thêm 220 m cầu cảng, làm đường nội bộ, bãi chứa hàng trong phạm vi 9 ha với tổng mức đầu tư 198 tỉ đồng, trong đó 70% vốn vay ngân hàng. Hiện nay, dự án đã hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư. |
Bình luận (0)