Ngày 17-9, phóng viên Báo NLĐ tìm gặp lại các nhóm nhà khoa học đầu tiên thực hiện đề tài khảo sát môi trường và tài nguyên ở sông Thị Vải (do Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tỉnh Đồng Nai đặt hàng) và được biết ô nhiễm ở khu vực này đã được xác định, lên tiếng báo động từ năm 1997. Lúc đó, nguồn nước thải ra sông ở đây chủ yếu bắt nguồn từ nhà máy của Vedan.
Nguồn lợi thủy sản giảm 50%-70%
“Khi đi thực tế ở khu vực gần Vedan, chúng tôi đã thấy nước dơ kinh khủng, đen sẫm” - PGS-TS Hoàng Đức Đạt, nguyên trưởng Phòng Tài nguyên sinh học (Viện Sinh học Nhiệt đới TPHCM), kể lại. Là người phụ trách tổ khảo sát về diễn biến nguồn lợi thủy sản sông Thị Vải (một phần trong đề tài nghiên cứu, khảo sát môi trường và tài nguyên sông Thị Vải), PGS-TS Đạt cho biết thêm: “Những đêm đi thực tế khi ấy, gặp những người dân đánh bắt cá ở đó, ai cũng phản ánh nước sông quá dơ, ngứa không chịu được. Vào những lúc nguồn nước dơ từ Vedan thải ra, cá chết rất nhiều, đến cả cua ở dưới đáy sông cũng trồi lên. Lúc đó, qua điều tra, xác định được nguồn lợi thủy sản ở khu vực này giảm khoảng 50%-70%”.
Đã ô nhiễm nghiêm trọng từ năm 1997
Khi vấn đề ô nhiễm ở sông Thị Vải được phản ánh, hay tin Vedan sẽ chở chất thải ra biển để đổ nên nhóm nghiên cứu đã tổ chức mai phục và nhận định tình trạng này có thể đã xảy ra. Bởi vì nhiều lần nhóm nghiên cứu phát hiện khi tàu vừa từ nhà máy Vedan chạy ra thì một phần thân tàu chìm xuống nước - chứng tỏ tàu chở rất nặng. Thế nhưng khi chạy ra chưa tới cửa biển, nhóm nghiên cứu nhận thấy thân tàu nổi lên nhẹ tênh, chứng tỏ tàu đã trút bỏ một khối lượng vật chất rất nặng.
PGS-TS Đoàn Cảnh, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, cho hay: Việc khảo sát lúc đó kéo dài cả năm, được thực hiện rất công phu, có áp dụng cả phương pháp đo nhanh tại chỗ. Ngoài phân tích thủy sinh, nhóm nghiên cứu còn kết hợp với trung tâm hạt nhân phân tích mức độ ô nhiễm trong bùn. Kết quả cho thấy nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng. Ngoài ra, khu vực này cũng xác định có ô nhiễm kim loại ở mức độ nhẹ, đáng lưu ý là bùng phát nhiều nhóm tảo lạ. Ở khu vực gần nhà máy Vedan, vào thời điểm thực hiện nghiên cứu, khi dùng vật nặng thả xuống đáy thì thấy khí metan nổi lên. Điều này cho thấy mức độ ô nhiễm rất nghiêm trọng.
Sau khoảng một năm khảo sát, nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận: Ô nhiễm ở sông Thị Vải, phía bờ Công ty Vedan VN là nặng nhất. Nguyên nhân là do nguồn nước thải từ hoạt động sản xuất. Do đó, nếu không tìm cách khắc phục, dòng sông sẽ tiếp tục “chết”. “Dù đề tài nghiên cứu được nghiệm thu nhưng do có nhiều ý kiến của các nhà khoa học ở Hà Nội, lãnh đạo Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho rằng chất thải từ Vedan không ô nhiễm như thế” - PGS-TS Hoàng Đức Đạt thất vọng nói.
Sông Thị Vải đang ô nhiễm mức nguy hiểm Theo kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ Môi trường TPHCM, trong các tháng đầu năm 2008, nồng độ DO (ôxy hòa tan) ở sông Thị Vải không đạt tiêu chuẩn, có thời điểm bằng 0. Điều này chứng tỏ nước sông Thị Vải nói chung và nước tại khu vực nhà máy Vedan nói riêng đã bị ô nhiễm ở mức nguy hiểm. Mức độ ô nhiễm hữu cơ cũng được xác định ở mức báo động. Tổng số chất rắn lơ lửng hầu hết đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần tiêu chuẩn nước ngọt bảo vệ đời sống thủy sinh. |
Bình luận (0)