Ngày 7-2-2015, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được tái khởi động dự án lần thứ 2
Chiều 28-9, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp với Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận để kiểm điểm tiến độ triển khai dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Ông Nguyễn Văn Thể đã cảnh cáo HĐQT, Ban Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) - là đơn vị quản lý dự án - và phê bình Sở GTVT Tiền Giang vì để xảy ra tình trạng trì trệ trong thực hiện dự án.
Được biết, dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức vốn đầu tư trên 14.600 tỉ đồng. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP HCM - Trung Lương), Km49 + 620, điểm cuối tại nút giao với quốc lộ 30, km 100+750 (gần cầu Mỹ Thuận).
Theo thiết kế, đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1 km tuyến cao tốc và 4,5 km tuyến nối. Công trình này đi qua địa bàn thị xã Cai Lậy và các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè và Tân Phước của tỉnh Tiền Giang. Thời gian xây dựng khoảng 4 năm, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những trục đường trọng tâm của quốc gia, là trục chính nối TP HCM với toàn bộ 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi hoàn thành, tuyến đường cao tốc này sẽ còn tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên quốc lộ ,góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL.
Trước đây, ngày 29-11-2009, dự án đã được Công ty cổ phần đầu tư phát triển đường cao tốc BIDV khởi công, nhưng sau đó gặp khó khăn về vốn đầu tư nên bị “đóng băng”.
Hơn 5 năm sau, ngày 7-2-2015 dự án được khởi động lần thứ hai và dự kiến hoàn thành vào năm 2018, bao gồm 6 nhà đầu tư chỉ định thầu gồm: Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Yên Khánh, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng BMT, Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi, Công ty cổ phần Hoàng An, Công ty cổ phần Đầu tư Cầu đường CII. Sau đó, các nhà đầu tư đã thống nhất lập ra Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận để thực hiện dự án. Tuy nhiên cho đến nay, các thủ tục pháp lý, công tác thu xếp vốn, công tác lựa chọn nhà thầu, công tác thiết kế bản vẽ kỹ thuật, công tác giải phóng mặt bằng… đều chậm.
Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, theo báo cáo vào tháng 8-2015 của Ban kiểm soát Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đến thời điểm này, việc triển khai dự án bị đình trệ do giải phóng mặt bằng trên hiện trường không thực hiện được; doanh nghiệp dự án chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư; dự án không thu xếp được vốn tín dụng cho triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt, nhà đầu tư cho rằng việc quản lý, điều hành doanh nghiệp dự án có đang nhiều bất cập và vi phạm nguyên tắc quản lý.
Trong báo cáo, Ban kiểm soát cũng đề nghị lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận kiểm tra, làm rõ các nội dung nêu trên để đảm bảo an toàn nguồn vốn cho triển khai dự án, đồng thời đề nghị Bộ GTVT kịp thời có ý kiến chỉ đạo để việc triển khai dự án này theo đúng tiến độ mà Chính phủ đề ra.
Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu đến ngày 15-10 HĐQT Công ty BOT Trung Lương-Mỹ Thuận phải ký quy chế hoạt động và làm rõ những khúc mắc về tài chính.
Đây là lần thứ 2 Bộ GTVT họp về việc này. Trước đó, ngày 26-8, Bộ GTVT cũng đã họp và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện dự án báo cáo, giải trình một số nguyên nhân khiến dự án chậm trễ. Tại cuộc họp này Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết nếu thời gian tới tiến độ dự án vẫn không có tiến triển thì bộ sẽ có biện pháp mạnh và ông đã yêu cầu Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP) chuẩn bị sẵn phương án thay thế Ban quản lý dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong trường hợp dự án này vẫn không có tiến triển gì trong thời gian tới.
Bình luận (0)