Ngành đường sắt dù mới bắt đầu triển khai bán vé tàu Tết Đinh Dậu 2017 đại trà cho cá nhân qua mạng và các điểm bán vé nhưng nhiều chặng từ TP HCM đến một số địa phương miền Trung vào ngày cao điểm, vé đã rất khan hiếm. Trong khi đó, bên ngoài ga Sài Gòn, đội ngũ “cò” lại hoạt động rầm rộ, khẳng định vé đi đâu, thời gian nào cũng có.
“Trên mạng không còn đâu!”
Chiều 4-10, trong vai một hành khách đứng bần thần tại cổng ga Sài Gòn (quận 3, TP HCM) do lo lắng không mua được vé tàu Tết, chúng tôi lập tức được nhóm “cò” gồm 5 người đến mời chào. Một người phụ nữ tên H. nhanh nhảu: “Em mua vé tàu Tết, đúng không? Muốn ngày nào để chị lấy cho chứ giờ trên mạng không còn đâu”. Vừa nói, bà ta đưa ra một cuốn sổ có in sẵn lịch trình ga đi - đến, ngày khởi hành của các chuyến tàu từ TP HCM trở ra phía Bắc những ngày cao điểm Tết.
“Ngày 22 Tết (19-1-2017) về Quảng Ngãi, chị còn vé không?” - tôi hỏi. Lúc đầu, bà H. chần chừ nhưng khi xem lại cuốn lịch tay và thời gian chạy tàu thì khẳng định còn, kèm theo lời cam kết vé đúng với CMND, tên tuổi của người mua đi. Thấy tôi phân vân, người này cho biết vé chắc chắn là thật và nếu vẫn còn nghi ngờ thì chỉ cần để lại số CMND, đặt cọc tiền rồi sau đó sẽ nhận được vé theo đúng nhu cầu. Sau khi có vé, bà H. khẳng định sẽ để tôi trực tiếp đến nhà ga kiểm tra thật hay giả rồi mới phải trả khoảng 1,5 triệu đồng/vé, kèm theo mức phí 250.000 đồng tiền “cò” cho mỗi vé.
“Làm sao có thể chắc chắn như vậy khi việc đặt vé qua mạng được kiểm duyệt rất kỹ và hiện vé về Quảng Ngãi ngày 22 Tết đã không còn?” - tôi hỏi. Lập tức, một người đàn ông trong nhóm xen vào: “Em yên tâm, tụi này làm việc ở đây nhiều năm rồi nên hiểu rõ cách thức mua vé, bảo đảm là vé thật. Muốn mua mấy vé? Giường nằm ngày 22 Tết còn 3 vé tầng 2, nếu muốn thì để lại số CMND hoặc chỉ cần tên và năm sinh thì sẽ lập tức có vé luôn trong chiều nay”.
Tiếp lời, bà H. hứa: “Chị đăng ký đi tàu SE2, SE4, SE8 đúng ngày em muốn. Lên tàu nhận giường xong rồi trả tiền cũng được”.
Trước đó, sáng 3-10, cũng tại khu vực trên, chúng tôi thử hỏi mua vé từ TP HCM về Thanh Hóa ngày 25 Tết (22-1-2017), một phụ nữ bảo đảm có vé đúng với thông tin cá nhân của người mua. Người này cho biết phí “cò” là 300.000 đồng/vé và có thể lấy vé bất cứ ngày nào, chỉ cần để lại số CMND, tiền đặt cọc, số điện thoại liên hệ…
Có thể “tiền mất tật mang”
Theo tìm hiểu của phóng viên, dù Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn đã tiến hành điều chỉnh, phân bổ vé tàu Tết từ chặng dài bán cho các chặng ngắn (khoảng 45.000 vé, chiếm 34% tổng số vé tàu Tết) nhưng chỉ sau 4 ngày mở bán đại trà, vé về nhiều tỉnh miền Trung đã trở nên khan hiếm. Ghi nhận đến ngày 4-10, hầu hết các chặng ngắn về Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định… đã kín chỗ và không phải hành khách nào cũng có thể mua được đúng nhu cầu, thậm chí không mua được vé. Nhiều người lo lắng không có vé về quê đã phải thông qua “cò”, chấp nhận may rủi khi có thể mất tiền nhưng vẫn không được lên tàu.
“Vợ mới sinh và có công việc buộc phải về quê ở Đà Nẵng trong dịp Tết nhưng đi xe thì quá vất vả, trong khi vé máy bay lại đắt nên tôi chọn đi tàu. Tuy nhiên, dù đã canh nhiều ngày trên máy tính mà vẫn không đặt được vé nên tôi đành chấp nhận thông qua “cò” nhưng chỉ sợ vé giả” - anh Ngô Văn Bình (ngụ tỉnh Bình Dương) nói và cho biết vừa mua 2 vé người lớn và 1 vé không chỗ (vé cho trẻ em) về Đà Nẵng ngày 25 Tết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dịp Tết những năm trước, các “cò” có thể mạnh miệng cho biết ngày nào cũng có vé là do hầu hết các vé đều được in giả hoặc cạo sửa tên, đối tượng đi tàu. Có nhiều trường hợp “cò” còn sử dụng vé dành cho trẻ em cạo sửa thông tin cá nhân thành vé người lớn, bán với giá cao, kèm theo tiền phí để hưởng lợi. Tuy nhiên, trong dịp Tết năm nay, các đối tượng tinh vi hơn khi cho biết đã tìm ra phương thức đặt chỗ qua mạng, thông tin cá nhân trùng khớp với người mua vé.
Qua tìm hiểu, chúng tôi phát hiện mánh khóe mới mà “cò” tạo lòng tin với hành khách là cho biết vẫn mua vé thông qua hệ thống website của ngành đường sắt. Tuy nhiên, cách thức mua được thực hiện an toàn hơn khi sử dụng thông tin cá nhân của người bất kỳ, sau đó chuyển đổi thành người mua. “Khi đặt vé trên hệ thống, người mua chưa cần trả tiền ngay mà có thể giữ chỗ 72 giờ. Do đó, tụi này đặt hàng loạt chỗ và lúc gần đến thời gian thanh toán (hết 72 giờ) sẽ bỏ chỗ rồi lập tức đặt lại với thông tin cá nhân của người mua. Nếu chưa có người mua thì tiếp tục lặp đi lặp lại thao tác trên để giữ chỗ, sớm muộn gì cũng có người tìm đến” - một “cò” tiết lộ.
Chúng tôi thử đặt vé tàu đi ngày thường trên hệ thống website: dsvn.vn theo hình thức trả sau và nhận thông tin được giữ chỗ trong 72 giờ. Trên hệ thống cũng hiển thị rõ thông tin cá nhân, gồm tên, số CMND, đối tượng, loại chỗ… Trong khi đó, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn - Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết khi chỗ được trả lại hay hết hạn thanh toán, vé sẽ không đưa lên hệ thống ngay mà phải sau một khoảng thời gian bất kỳ mới được cập nhật. “Do đó, vào thời điểm này thì bất kỳ người nào cũng có thể đặt vé chứ không riêng gì “cò”. Vì vậy, xác suất để “cò” mua được vé là rất thấp” - ông Văn nói.
Cũng theo ông Văn, để hạn chế tình trạng “cò” vé, dịp Tết Đinh Dậu 2017, công ty áp dụng mức phí đổi, trả vé thời gian cao điểm là 30% giá vé. Công ty cũng đã thỏa thuận với 42 đại lý phải bán đúng giá vé niêm yết của ngành đường sắt và chỉ được thu thêm phí dịch vụ. “Hành khách chỉ nên đặt chỗ qua mạng, mua vé trực tiếp tại ga Sài Gòn và các đại lý của ngành đường sắt, tránh mua của những đối tượng khác vì có thể tiền mất tật mang” - ông Văn khuyến cáo.
Hơn 100.000 chỗ đặt thành công
Theo ông Đỗ Quang Văn, tính đến 14 giờ chiều 4-10, tổng số vé tàu Tết Đinh Dậu 2017 đặt thành công qua mạng là 102.788 chỗ. Trong đó, số vé đã xuất hoặc đã thanh toán là 69.465, trong thời gian cao điểm Tết từ ngày 17 đến 26-1-2017 (từ ngày 20 đến 29 tháng chạp năm Bính Thân).
Ông Văn cho biết tính đến thời điểm này, hệ thống bán vé qua mạng và tại các nhà ga, đại lý… không xảy ra tình trạng nghẽn mạng.
Bình luận (0)