Lợi dụng những lúc thời tiết xấu, sóng to gió lớn hoặc đêm tối, các tàu buôn lậu - ngày càng được trang bị hiện đại, có cả radar tinh vi - để lẩn trốn. Xác định rõ trọng trách không để tài nguyên quốc gia “chảy máu”, lực lượng cảnh sát biển (CSB) đặc biệt kiên quyết đấu tranh với những con tàu chở khoáng sản xuất lậu.
Chặn “chảy máu” tài nguyên
“Chảy máu” tài nguyên khoáng sản qua đường biển diễn ra âm ỉ nhưng đang hằng ngày, hằng giờ làm nghèo đất nước, nhất là khi nguồn nguyên liệu than đá, dầu mỏ ngày càng trở nên cạn kiệt. Vùng CSB 1 quản lý vùng biển vịnh Bắc Bộ, từ cửa sông Bắc Luân (Móng Cái) đến đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), được xem là khu vực nóng nhất cả nước về buôn lậu than, dầu. Đến nay, Vùng CSB 1 đã tịch thu 39.000 tấn than các loại, 2.644 tấn quặng sắt, 178.002 m3 dầu, 40 m3 gỗ sưa vận chuyển lậu.
Là vùng CSB đầu tiên được thành lập, Vùng CSB 1 quản lý một khu vực biển sôi động các hoạt động thông thương giữa tàu bè Việt Nam và Trung Quốc. Con số 3.090 vụ xử phạt vi phạm hành chính cho thấy đây là vùng biển phức tạp về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Tuy vậy, để cất được những mẻ lưới lớn, các trinh sát CSB đã phải dấn thân trong điều kiện rất gian khổ. Họ từng phải đóng giả ngư dân, thuê tàu cá nhỏ lênh đênh trên biển để bám sát những chiếc tàu buôn lậu hàng ngàn tấn.
Năm 2012, thiếu tá Lê Văn Thụy, Phó Phòng Trinh sát Vùng CSB 1, đã mất hơn 2 tuần đóng giả người dân đi trên tàu cá để bám theo một chiếc tàu chở quặng lậu. “Xuất phát từ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, tàu lậu di chuyển 40 km đường sông trong vòng 7 ngày để chờ thời cơ ra biển. Ngay từ đầu, tôi đã bám theo tàu này bất kể ngày đêm bởi cứ sau mỗi đêm, nó lại thay đổi số hiệu một lần” - thiếu tá Thụy nhớ lại. Khi tổ chức vây bắt tàu này, lực lượng CSB phát hiện, xử lý thêm một tàu khác buôn lậu than đang từ biển Hải An, TP Hải Phòng vượt phao số 0 ra vùng biển quốc tế.
Để xử lý các tàu buôn lậu vi phạm, trinh sát CSB không những phải tinh thông nghiệp vụ, hiểu biết sâu về pháp luật mà còn phải kiên nhẫn. Vùng CSB 1 phụ trách tới gần 800 km bờ biển nhưng lực lượng trinh sát chỉ có hơn 20 người, chưa được trang bị phương tiện tương xứng nên việc để tàu lậu qua mắt là khó tránh khỏi. Ngoài biện pháp mua chuộc khi bị bắt giữ tàu, các ông trùm buôn lậu trên biển còn tận dụng những mối quan hệ để tác động, gây khó dễ lực lượng CSB.
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhớ lại: “Có lần, chính tôi nhận được điện thoại nhờ tác động để CSB không làm khó dễ cho tàu vi phạm. Tuy nhiên, với những trường hợp như vậy thì càng phải làm nghiêm, không thể có ngoại lệ nào. Nếu cứ để tài nguyên quốc gia chảy máu thì chúng ta có lỗi lớn với thế hệ mai sau”.
Cứu hộ, cứu nạn ở vùng biển xa
Hầu như những chuyến ra khơi làm nhiệm vụ nào, tàu CSB cũng cất được những mẻ lưới lớn. Điều đó chứng tỏ hoạt động buôn lậu trên biển diễn ra rất táo tợn ở bất kỳ vùng biển và thời điểm nào trong năm.
Mới đây, bằng những phân tích nghiệp vụ, cụm trinh sát số 2 Vùng CSB 3 sau nhiều ngày bám biển đã phát hiện, bắt quả tang tàu Việt Anh neo đậu, sang hàng hóa trái phép cho 3 phương tiện khác với số lượng dầu DO lớn nhất từ trước đến nay trên vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Số dầu bị tịch thu được phát mãi có giá lên đến trên 12 tỉ đồng.
Ngày 16-6 vừa qua, cụm trinh sát số 2 tiếp tục phát hiện, bắt giữ tàu VSG Glory (quốc tịch Panama) do người Việt điều khiển với hàng trăm thuyền viên và công nhân lao động từ nước ngoài về vùng biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định neo đậu, đang sang hàng hóa trái phép qua 6 phương tiện khác. Số thuyền viên và công nhân lao động này đã kiên quyết chống trả, đe dọa tính mạng lực lượng trinh sát. Vùng CSB 3 cũng từng bắt quả tang 3 tàu Việt Hải, Việt Hải 01 và Đông Hòa 09 luôn lậu 913 m3 xăng...
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ ngư dân cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của CSB. Với số tàu thuyền được trang bị hiện đã lên đến trên 60 chiếc, trong tương lai sẽ có thêm 3 máy bay tuần thám CASA đi vào hoạt động, CSB càng có điều kiện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này. Hiện chiếc CASA đầu tiên của CSB Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ bay tuần tra.
Thời gian qua, lực lượng CSB đã cứu được 17 phương tiện và 278 người trên biển. Hầu hết các vụ cứu hộ, cứu nạn đều diễn ra trên các vùng biển xa, trong điều kiện khó khăn, thời tiết phức tạp. Điển hình, tàu CSB 9002 của Vùng CSB 2 từ ngày 31-3 đến 4-4-2012 đã cứu được tàu cá QNg 90046 TS và 11 ngư dân bị hỏng máy, trôi dạt cách đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 110 hải lý; từ ngày 17 đến 22-6-2012, cứu nạn thành công tàu cá QNa 91594TS và 12 ngư dân…
Chú trọng chống cướp biển Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam, cho biết trong 15 năm qua, CSB đã tiến hành kiểm tra 10.821 lượt tàu, thuyền các loại, xử phạt vi phạm hành chính 4.687 lượt; phát hiện 202 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, khởi tố 22 vụ, chuyển giao 180 vụ cho các cơ quan chức năng xử lý. Đặc biệt, vào tháng 11-2012, chiến công phát hiện, khống chế, bắt giữ 11 tên cướp biển người Indonesia đoạt tàu chở dầu Zafirah quốc tịch Malaysia được coi là thành tích xuất sắc, giúp vị thế và uy tín của CSB Việt Nam nâng cao. Đến nay, các vùng CSB đã tham gia 10 cuộc diễn tập, trong đó có phần về chống cướp biển. |
Bình luận (0)