Ông Nguyễn Văn Hậu, 55 tuổi, ở xã An Hòa, huyện Châu Thành - An Giang, bị mù từ khi mới sinh. Gia đình ông gồm 9 anh em nhưng có tới 4 người đều không nhìn thấy ánh sáng từ khi mới lọt lòng.
Là anh cả trong gia đình nên ông Hậu đã sớm ý thức phải tự mày mò học hỏi để làm việc phụ giúp cha mẹ.
Ngoài biệt tài sửa máy, ông Hậu còn làm được nhiều việc khác
như thiết kế đường điện gia đình, sửa ống nước, sửa xe máy
Tự học
Một hôm, cha con ông Hậu hết sức khổ sở vì chiếc máy bơm nước bỗng dưng trở chứng. Cha ông sửa chữa đủ cách nhưng vẫn chẳng ăn thua, ông đành phải chạy đi tìm người sửa giúp.
Ông Hậu khi ấy đã là một chàng thanh niên. Thấy vậy, ông thử sửa cái máy cà giựt này. Lúi húi một mình trên đồng ruộng hết giật máy rồi lại tháo bugi thử lửa.
Cánh đồng nơi gia đình ông quá xa khu dân cư nên cha ông không tìm được ai giúp đỡ, đành thất thểu quay lại dẫn con trai về nhà.
Đến nơi, cha ông Hậu hết sức ngỡ ngàng khi nhìn thấy chiếc máy đang ào ào bơm nước. Đây là lần đầu tiên ông Hậu "chinh phục" được cái máy bơm nước.
Ông Hậu nhớ lại: "Thoạt đầu, tôi không nghĩ là mình có thể sửa được nhưng vẫn cố hết sức. Khi thử lửa bugi, cánh tay tôi bị điện giật tê cứng... Nhưng cuối cùng cái máy cũng bị khuất phục".
Từ đó, ông tự học để sửa chữa máy nổ. Khó khăn thì quá nhiều nhưng ông kiên nhẫn dò dẫm trong bóng tối và ông hiểu ra hầu hết các "bệnh" của những chiếc máy nổ.
Từ đó, nhiều cỗ máy "bất trị” của hàng xóm đã bị một số "thầy"... chạy được người nhà đưa đến nhờ anh thợ mù sửa giúp.
"Tuy mất hơi nhiều thời gian mới "trị” khỏi bệnh một "cục sắt" nhưng cũng nhờ vậy tôi hiểu thêm chút đỉnh. Tính từ năm 25 tuổi, tôi bắt đầu sửa máy, cho đến năm 30 tuổi tôi đã hiểu được 100% các chứng bệnh cũng như cấu tạo của nhiều loại máy nổ chạy xăng như Kohler 4, Kohler 7, PS 7, PS 9 và nhiều loại máy khác" – ông Hậu cho biết.
Thời điểm này, các em ông đã đến tuổi ăn tuổi lớn, cha ông mở rộng thêm đất trồng lúa. Chiếc máy Kohler "cà tàng" không còn đủ sức bơm nước cho đất ruộng được thay bằng chiếc máy dầu.
Khi "cục sắt" lớn này bị hư hỏng đã một lần làm khó anh thợ mù vì chưa được tiếp cận, biết nó bao giờ.
"Lúc này, tôi được người anh ở xóm chỉ "bài" rằng máy dầu không kích nổ bằng tia lửa điện như máy chạy xăng nên dễ sửa hơn. Chỉ cần canh hơi và chỉnh dầu hợp lý thì sẽ nổ. Vậy là tôi làm thử và sửa được. Nói nghe đơn giản vậy chứ tôi phải mất 5 năm mới thuần thục cách sửa chữa máy dầu. Khi đó tôi đã 35 tuổi" – ông Hậu nói.
Sửa máy dạo miễn phí
Máy nổ là thiết bị rất quan trọng với đồng bào miền Tây: bơm nước tưới, chạy ghe xuồng... song, chúng lại thường xuyên trở chứng. Ông Hậu cho biết hồi đó ông đã rất nhiều lần "giải cứu" thành công cho những người lỡ đường bị chết máy ngang qua đoạn sông trước nhà ông.
"Khi có ghe xuồng bị chết máy trên sông, những người ở xóm thấy vậy chỉ khách cập lại bến nhà tôi để nhờ sửa giúp. Nhiều người đã vô cùng bất ngờ và tỏ vẻ nghi ngờ khi nhờ một người mù như tôi sửa máy. Còn tôi thì bảo sẽ cố gắng hết sức, chẳng có lấy tiền bạc gì nhưng lỡ sửa không được thì thôi" - ông Hậu thổ lộ.
Ngày càng có nhiều người biết đến tay nghề của ông và cánh thợ sáng mắt cũng năm bảy phần "nể" mặt gọi ông là "cao thủ” trong làng sửa máy nổ lúc bấy giờ. Nhiều người khuyên ông mở tiệm sửa máy để làm nghề kiếm sống nhưng ông không chịu.
Ông bảo thật sự không thích cái nghề sửa máy. Nhưng bất kể người quen hay lạ trong xóm, ngoài làng có máy hư nhờ sửa giúp là ông vui vẻ nhận lời.
"Có khi thì người nhà mang máy đến tận sân nhà tôi nhưng có khi gặp máy dầu lớn, nặng nề, khó di chuyển, người ta đưa tôi tới nhà sửa, tôi cũng đi. Đi sửa máy dạo khắp nơi nhưng không lấy của ai đồng nào à nghen, miễn phí hết!" - ông Hậu quả quyết.
Ông Nguyễn Văn Nhựt, một người dân ở xã An Hòa, khẳng định đã từng chứng kiến việc ông Hậu mù sửa chiếc máy Kohler 4 của một người trong xóm. Ông Nhựt nói do không thấy đường nên ông Hậu thao tác chậm hơn những người thợ bình thường khác nhưng ông rất tỉ mỉ, cẩn thận và "bắt đúng bệnh".
"Hồi đó, cả cái xóm này đỡ tốn tiền thầy thợ, cứ có máy móc hư là đem tới thằng Hậu. Cái thằng vậy mà nhiệt tình lắm nghen, có khi sửa tới tối mịt nó vẫn không chịu nghỉ, quyết tâm sửa được mới thôi" - một ông lão móm sọm nói về anh thợ máy mù như niềm tự hào của xóm mình.
Ông Hậu nói bây giờ rất ít người xài máy nổ nên cũng đã nhiều năm không sửa chữa. Do vậy, bây giờ ông đang tìm hiểu để sửa xe máy. Vợ chồng ông đang sử dụng chiếc xe Wave và từ trước đến nay không phải tốn tiền đem cho thợ. "
Mấy chuyện hỏng lặt vặt tôi tự làm hết, bây giờ đang mò mẫm sang phần máy. Cấu tạo máy xe cũng chẳng khác máy nổ bao nhiêu nên tôi nghĩ có thể mình làm được" - ông Hậu nói vẻ tin tưởng.
Làm nhiều việc như người sáng mắt
Ngoài biệt tài sửa máy, ông Hậu còn có thể làm được nhiều việc khác như người sáng mắt. Chỉ vào đường dây điện trong nhà, người nhà ông Hậu bảo toàn bộ do một tay ông thiết kế, lắp đặt.
Chúng tôi đếm kỹ từ trước nhà dẫn ra sau bếp có tổng cộng 7 cầu dao điện được mắc và chia điện thành nhiều khu vực sử dụng riêng cho từng nhu cầu công việc. Kể cả đường ống dẫn nước bằng nhựa được bơm từ chiếc mô-tơ lấy nước sông lên nhà sử dụng cũng do ông lắp đặt.
Ngoài ra, ông Hậu còn có thể cầm lưỡi hái cắt lúa chẳng thua kém những người sáng mắt. Còn anh Nguyễn Văn Hiệp, người em thứ 8 của ông Hậu, bị mù lại có biệt tài sửa chữa điện tử. Vốn đam mê đờn ca hát xướng, Hiệp tự đi mua đầu máy đĩa về nghe. Khi máy hư, anh mày mò sửa chữa rồi biết sửa tự lúc nào không ai biết. Vậy là Hiệp có thêm cái nghề nữa là đi chợ gò Tà Mau (Campuchia) mua hàng điện tử đã qua sử dụng dạng "câm, điếc" về sửa và bán lại cho người khác.
Hai người em gái mù của ông Hậu thì có thể làm được tất cả những việc nội trợ như cơm nước, bếp núc trong nhà. Đặc biệt là họ có thể may vá bằng tay rất khéo. |
Kỳ tới: Vươn lên từ khốn khó
Bình luận (0)