Đây là thông tin đặc biệt quan trọng, không chỉ giới trí thức đón nhận mà toàn xã hội cũng quan tâm, bởi trong hầu hết các vấn đề trọng đại của đất nước đều cần đến vai trò trí thức.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ. Ảnh: TTXVN
Khái niệm “trí thức” du nhập Việt Nam cũng đã hơn 100 năm. Thời nào cũng vậy, trí thức luôn được xem là lực lượng tinh hoa và được trọng vọng bởi những giá trị ưu tú mà họ mang lại cho xã hội. Nghị quyết 27-NQ/TW (6-8-2008) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước làm rõ hơn chân dung trí thức: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”.
Quyết định nói trên của Thủ tướng Chính phủ - dù mới cho thí điểm - nhưng thể hiện rất rõ sự cầu thị của nhà nước: Tiếp tục lắng nghe và trọng dụng trí thức.
Thực tế, khi chưa có những diễn đàn chính thống, giới trí thức bằng cách này hay cách khác vẫn có thể nêu lên quan điểm của mình và làm cho lan tỏa rộng ý kiến đó, đặc biệt khi internet và các mạng xã hội bùng nổ đã càng làm cho tiếng nói trí thức có tầm ảnh hưởng mạnh hơn. Giới trí thức Việt Nam những năm qua, bằng nhiệt huyết vốn có, đã luôn đeo bám rất sát diễn biến thời cuộc, nhất là những vấn đề quốc gia đại sự, kịp góp chất xám của mình vào công cuộc chung. Tuy vậy, bên cạnh số đông trí thức tài giỏi và trung thực, không thiếu những người giả danh trí thức, ngụy trí thức, chuyên ăn theo nói leo và thừa gió bẻ măng nhằm đánh bóng tên tuổi bản thân hoặc vì sự bất mãn cá nhân mà cố tình quấy rối, ngăn trở công cuộc chung.
Ở phía tiếp nhận, rất dễ thấy sự cầu thị qua chính sách chiêu hiền đãi sĩ được triển khai rộng khắp từ trung ương đến địa phương. Với những vấn đề cụ thể gây tranh cãi hoặc lo ngại, phía nhà nước cũng có nhiều cách tiếp nhận phản biện của giới trí thức để cân nhắc, vận dụng. Đã có không ít chủ trương chính sách, dự án... mà nhà nước đã phải sửa đổi hoặc ngưng triển khai sau khi giới trí thức phản biện. Thế nhưng, cũng còn rất nhiều trường hợp, tiếng nói nhiệt thành của người trí thức đã không được tôn trọng; đôi lúc, phản biện bị xem là phản đối, phản động. Những điều ấy khiến người trí thức cảm thấy buồn, trăn trở, thất vọng.
Nay, quyết định của Thủ tướng nêu rõ: “Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp (dành cho trí thức - NV) hoạt động trên nguyên tắc bảo đảm tính khoa học, trung thực, khách quan và nhân văn, đóng góp tích cực cho sự phát triển đất nước, bảo vệ lợi ích của quốc gia và tuân thủ luật pháp Việt Nam”. Vậy là, tất cả sẽ được mời về dưới một “mái nhà chung”, đau đáu vì lợi ích chung. Căn nhà ấy đã được cấp sổ hồng và chủ nhân chính là trí thức!
Bình luận (0)