Con trâu mang nhiều đặc tính của một loài trâu rừng bản địa Việt Nam, sừng cong hình bán nguyệt, khuôn ống sừng hình chữ nhật và nhất là những chiếc lông dài màu nâu hung còn lại trên phần trán đã từng phải mang trên đầu một trọng lượng thường xuyên tới 50 kg. Đó là ước tính của các nhà nghiên cứu cổ động vật học. Riêng trọng lượng cặp sừng với phần nền xương của nó gắn với mảng xương trán hiện đã nặng hơn 30 kg.
200 năm nay, đã trải qua 4,5 đời, gia đình một người nông dân miền núi vùng sâu huyện Bá Thước (Thanh Hoá) truyền nhau cặp sừng này. Nó như một biểu trưng tự hào của một dòng tộc đã từng sản sinh ra nhiều thợ săn táo bạo. Cũng của dòng tộc này, người sưu tầm còn được chứng kiến chiếc răng nanh khổng lồ của một con hổ mà trọng lượng toàn thân phải từ 300 đến 500 kg.
Cuối năm 2005, cặp sừng khổng lồ đã lọt vào tầm ngắm của một người sưu tầm gốc Mường rất thông thạo khu vực này. Trải qua ba đời chủ nữa, cặp sừng được một cán bộ của Bảo tàng Phạm Huy Thông (trực thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á) mua trong một chuyến đi sưu tầm mẫu xương răng động vật khảo cổ và hiện đại có liên quan đến thức ăn và môi trường thời Tiền sử. Hiện nay, Bảo tàng Tự nhiên Quốc gia có nhã ý muốn sở hữu lại cặp sừng này.
Nhân viên Bảo tàng Phạm Huy Thông đã đo đường căng ngang hai đầu sừng, cho biết nó rộng 183 cm. Nếu đo theo đường sừng lượn thì độ dài từ đỉnh nhọn này đến đỉnh nhọn kia tới 218 cm. Bề ngang phần chân sừng, nơi gắn với nền sọ rộng tới 16 cm. Bề ngang phần trán con trâu này rộng khoảng 25 cm trong khi xương một con trâu nhà 7 năm tuổi ở Kim Bôi (Hoà Bình) hiện lưu tại Bảo tàng Phạm Huy Thômg chỉ rộng 15 cm. Những ngấn sừng và độ mòn cỗi của nó khiến nhiều nhà nghiên cứu có cảm nhận con vật có tuổi đời rất cao. Một phác thảo phục dựng toàn thân con vật cho thấy nó cao khoảng 1,5 m ( đo ở gù lưng xuống đất ) và dài từ đầu mũi kéo thẳng đến cuống đuôi áng chừng 2 m - 2,5 m. Độ rộng ngang của cặp sừng khiến nhiều nhà nghiên cứu băn khoăn về khả năng hoạt động trong rừng của con vật này. Bởi lẽ cây rừng sẽ ngăn cản nó vận động. Từ đó, có thể suy đoán rằng con trâu với cặp sừng lớn như vậy chỉ có khả năng hoạt động ở những vùng đầm lầy cỏ lác, mật độ cây thân gỗ không thật dày đặc.
Theo TTXVN, vùng rừng miền tây Thanh Hoá là tiếp nối của hệ núi Hymalaya kéo dài với hệ núi Trường Sơn. Đó cũng là nơi bề rộng của rừng núi theo chiều đông tây vào loại rộng nhất, từ giáp biển đến tận gần hết bề ngang nước Lào, trong đó Bá Thước, Quan Hoá như cái lõi của cùng rừng núi đó.
Rất tiếc, chủ nhà lưu giữ cặp sừng đó từ 200 năm nay chỉ còn nhớ do "các cụ cố truyền đời lại" chứ không biết chi tiết về sự tích cuộc săn bắt con vật khổng lồ này. Tuy nhiên, trò truyện với họ có thể thấy rằng, những con trâu lớn như vậy sẽ không phải là quá hiếm hoi.
Phải chăng chúng ta còn cơ hội gặp gỡ di duệ của những đàn trâu khổng lồ đó ở ngay Việt Nam hiện nay?
Bình luận (0)