Ngày 27-10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị trực tuyến về phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và cửa biển.
Hàng trăm bến, bãi “chui”
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, cho biết cả nước có 500 giấy phép bến bãi kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát được cấp phép. Ngoài ra, còn hàng trăm bến, bãi khác hoạt động tự phát hoặc chỉ có hợp đồng thuê đất của xã, phường nhưng sử dụng cả đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy… dùng vũ lực để tranh giành địa bàn; chống người thi hành công vụ, gây thương tích, thậm chí gây tử vong cho lực lượng thi hành công vụ. Các đơn vị thuộc Bộ Công an đã lập chuyên án triệt phá 22 vụ phạm pháp hình sự với 65 đối tượng có hành vi giết người, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, chống người thi hành công vụ…
Theo ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay có 50 dự án nạo vét cửa sông, cửa biển, khơi thông đường thủy nội địa, luồng hàng hải, khu neo đậu tránh trú bão ở 24 tỉnh, thành. Tổng số cát thu hồi khoảng 200 triệu m3. Trong đó, một số dự án nạo vét luồng thủy nội địa theo phương thức “xã hội hóa” gây nhiều hệ lụy, bị lợi dụng “biến” từ cát nhiễm mặn sang cát xây dựng, đưa khoáng sản ra khỏi phạm vi dự án, gây ảnh hưởng môi trường.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng lo ngại việc khai thác cát, sỏi với khối lượng lớn, trên phạm vi nhiều tuyến sông đã làm cho lòng sông hạ thấp, dẫn đến mực nước về mùa khô trên các tuyến sông cũng hạ thấp, nhiều công trình không lấy được nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và yêu cầu dùng nước của các địa phương. Ông Thắng đề nghị xem xét lại đề xuất xuất khẩu cát của Bộ Giao thông Vận tải.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá nạn khai thác cát trái phép ở nhiều nơi đã phá hoại môi trường, gây thất thu thuế, thách thức dư luận, xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. “Nhiều nơi, chính quyền lơ là, dân tình oán thán. Tôi đã làm việc với TP Hà Nội về việc thất thoát khai thác cát tới hàng ngàn tỉ đồng. Có hiện tượng buông lỏng, có thể cả bao che, bảo kê thì mới ngang nhiên ngày đêm như vậy” - Phó Thủ tướng gay gắt.
Sẽ có cơ chế phối hợp để xử lý
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh phân trần do cấp phép chồng lấn, tuyên truyền có hạn, nhiều nơi còn chưa sâu sát… nên việc đấu tranh, ngăn chặn “cát tặc” còn hạn chế. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không hài lòng và đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội cũng như các địa phương phải xem lại có tình trạng bảo kê, băng nhóm hay không?
Đại diện tỉnh Đồng Nai cho rằng giáp ranh với 5 tỉnh mà nguồn cát phục vụ nhu cầu đều chủ yếu từ sông Đồng Nai nên việc khai thác trái phép khoáng sản trên sông còn diễn ra. Từ đầu năm đến nay, tỉnh này bắt giữ hơn 200 vụ khai thác, vận chuyển trái phép cát nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM góp ý quy định hiện hành không quy định xử phạt phương tiện vận chuyển nên khó xử lý. Trong tháng 11, TP HCM sẽ ký quy chế phối hợp tài nguyên nước, khoáng sản... với các tỉnh lân cận để xử lý vi phạm không phân biệt ranh giới; thành lập các đội cảnh sát đường thủy, trang bị phương tiện để truy quét ban đêm.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng cần lập kênh thông tin nóng về khai thác cát, sỏi từ địa phương đến trung ương. Cùng với báo chí, người dân có thể thông qua các kênh này để phản ánh. Về nạo vét đường thủy nội địa, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định có sự lợi dụng của các đối tượng để phá hủy lòng sông, bờ sông. “Vì vậy, không cấp mới, để kiểm tra, đánh giá lại tình hình, kể cả việc nạo vét cửa sông, biển, khai thác cát nhiễm mặn, xem xét lại việc xuất khẩu cát nhiễm mặn” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu.
Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận tình hình diễn biễn khai thác cát, sỏi ở lòng sông, bờ sông, cửa biển vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ... Không cấm khai thác cát nhưng phải làm theo quy hoạch, kế hoạch. “Cát tặc” là loại tội phạm, phải xử lý thật nghiêm minh. Trách nhiệm quản lý khai thác cát thuộc về chính quyền địa phương là chính và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về nạn “cát tặc”. Đừng đổ cho bộ, ngành. Các địa phương, cơ quan chức năng cần công bố đường dây nóng xử lý “cát tặc”; đồng thời kiểm tra, siết lại hoạt động “xã hội hóa” nạo vét luồng lạch và không cấp phép dự án khai thác cát mới.
Bình luận (0)