Một ngày cuối tháng 1-2015, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại khu vực bãi bồi ven sông Lam đoạn qua xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Từ trên bờ nhìn xuống đã thấy ngay nhiều tàu đang hút cát trái phép, tiếng máy nổ gầm rú vang động cả khúc sông.
Hoạt động ngày đêm
Đi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Nhân, thừa nhận: “Từ nhiều năm nay, ở đây ngày cũng như đêm, có rất nhiều tàu từ Hà Tĩnh đến hút cát trái phép”. Theo ông Hải, việc các tàu hút cát trái phép ngày đêm hoạt động khiến người dân mất đất sản xuất, nhiều công trình mới xây xong đã bị hư hỏng do sạt lở, dòng chảy thay đổi. “Mỗi năm, tại các xóm 4 và 6 của xã, sông ăn sâu vào đất sản xuất của người dân từ 30-40 m. Công trình bờ kè chống sạt lở dài khoảng 2,5 km dọc sông Lam mới đầu tư xây dựng hàng tỉ đồng giờ nhiều đoạn đã đổ sập” - ông Hải nói.
Trước đó, trên sông Lam đoạn chảy qua khu vực các xã Hưng Lợi, Hưng Lĩnh (huyện Hưng Nguyên) và Khánh Sơn (huyện Nam Đàn), nhiều tàu khai thác cát trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Theo người dân nơi đây, tình trạng trên đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng không được xử lý. Ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ xóm 6, xã Khánh Sơn) bức xúc: “Lúc nào cũng có tàu hút cát trái phép. Hết cát giữa dòng, chúng lại cho tàu vào sát bờ hoạt động khiến nhiều diện tích đất sản xuất của người dân sạt xuống sông”.
Theo ông Hòa, người dân đã nhiều lần phản ảnh lên chính quyền các cấp nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn không bị xử lý mà ngày càng diễn biến phức tạp. Lúc đầu, “cát tặc” sử dụng tàu nhỏ, giờ dùng cả tàu công suất lớn để hút cát.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam đã gây ra sạt lở lớn tại khu vực bờ Nam cầu đường sắt Yên Xuân (xã Nam Cường, huyện Nam Đàn). Có những điểm nước xoáy sâu cách chân cầu chỉ khoảng 3 m, đe dọa trực tiếp tới an toàn của tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam. Trước thực tế báo động trên, theo kế hoạch năm 2014-2015, ngành đường sắt đã phải bỏ ra trên 50 tỉ đồng để xây hệ thống kè chống sạt lở tại khu vực chân cầu Yên Xuân.
Đùn đẩy trách nhiệm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Nghệ An, thừa nhận có tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam. Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng trách nhiệm chính là do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý. “Đã phân cấp quản lý rồi, trách nhiệm chủ yếu trong việc để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam là của chính quyền cấp xã, huyện. Trước đó, theo phản ảnh của chính quyền các xã ven sông Lam thì họ dường như đã bất lực trước đội quân khai thác cát trái phép. Sông rộng cả km, xã không có phương tiện nên có phát hiện cũng chỉ biết đứng trên bờ nhìn chứ không cách gì đẩy đuổi được” - ông Ngọc nói
Ông Ngô Phú Hàn, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên, cũng thừa nhận huyện đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác trái phép trên sông Lam nhưng làm không xuể vì thiếu lực lượng, phương tiện. “Để chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép, cần sự vào cuộc của các đơn vị liên quan khác như CSGT đường thủy, Thanh tra Sở TN-MT...” - ông Hàn nhấn mạnh.
Khó xử lý
Thượng tá Phan Đức Châu, Trưởng Phòng CSGT Đường thủy Công an tỉnh Nghệ An, cho biết trong 6 tháng cuối năm 2014, đơn vị này đã bắt giữ 17 tàu khai thác cát trái phép trên sông Lam, xử phạt 237 triệu đồng. Việc bắt giữ, xử lý các tàu này gặp nhiều khó khăn do ranh giới cấp phép khai thác mỏ trên sông không rõ ràng, thiếu lực lượng và trang thiết bị, không có bãi tạm giữ phương tiện nên không biết để tang vật ở đâu.
Bình luận (0)