Con sông Thu Bồn chảy qua địa phận huyện Duy Xuyên và khu vực giáp ranh với huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn) của tỉnh Quảng Nam đang ngày đêm bị “cát tặc” đục khoét làm chuyển đổi dòng chảy, sạt lở nghiêm trọng ở đôi bờ. Khi hỏi đến việc xử lý “cát tặc”, chính quyền địa phương than khó.
Như chỗ không người
Sáng 15-4, có mặt tại cầu Câu Lâu bắc qua sông Thu Bồn, nơi giáp ranh giữa huyện Duy Xuyên và huyện Điện Bàn, chúng tôi chứng kiến nhiều chiếc thuyền đầy ắp cát bon bon chạy về các điểm tập kết hai bên bờ sông Thu Bồn ở địa bàn thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) và hai xã Điện Minh, Điện Phương (thị xã Điện Bàn). Tại đây, hàng trăm lượt xe tải liên tục ra vô để chở cát đi bán.
Theo bà Trần Thị Lý (ngụ thôn Câu Lâu Tây, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên), đa số các ghe hút cát vào ban đêm ở dọc bờ sông Thu Bồn rồi đưa về bán cho chủ bãi. Việc hút cát, mua bán diễn ra công khai nhưng không có đơn vị nào xử lý nên “cát tặc” rất ung dung.
Nhà ở gần sông Thu Bồn, ông Huỳnh Tấn Mỹ cho biết bất kể đêm hay ngày, bọn khai thác cát trái phép ngang nhiên hoành hành, thời điểm chúng hoạt động mạnh nhất là tầm 1 giờ khuya trở đi.
Ông Nguyễn Thận, Chủ tịch UBND xã Duy Phước, thừa nhận việc khai thác cát trái phép ven sông Thu Bồn tại địa bàn xã diễn ra gần 10 năm qua nhưng nổi cộm nhất là từ năm 2010 đến nay. “Các đối tượng khai thác cát lậu hoành hành trên sông diễn ra ngày càng phức tạp và đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại” - ông Thận lo ngại.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ánh, Trưởng Công an xã Duy Phước, lắc đầu: “Người dân ở đây phản ánh lên chính quyền xã rất nhiều. Chúng tôi cũng đã nhiều lần tổ chức vây bắt nhưng ngặt một nỗi chủ ghe họ liều lĩnh lắm, sẵn sàng đối phó lại với lực lượng chức năng”. Theo ông Ánh, năm 2013, dân phòng đội 21 thôn Câu Lâu Tây cùng với một số thanh niên trong xã dùng thuyền truy bắt “cát tặc”. Tuy nhiên, chủ ghe đã dùng sào chống trả quyết liệt khiến những chiếc ghe đâm sầm vào nhau, nhiều người phải bơi vào bờ, rất may không có người bị thiệt mạng trong trận ẩu đả đó.
Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Duy Xuyên cho biết mỗi năm, công an huyện đã nhiều lần truy quét, bắt hàng chục ghe để xử phạt nhưng tình hình chỉ lắng vài hôm, sau đó lại “nóng” lên. Theo cán bộ này, do việc xử lý chỉ mới dừng ở mức phạt hành chính nên chủ ghe khai thác cát trái phép vẫn cố tình vi phạm. “Một số đối tượng lợi dụng các văn bản hợp đồng kinh tế về nạo vét, san lấp mặt bằng của các tổ chức, đơn vị ngoài địa phương để hoạt động. Việc khai thác cát diễn ra ban đêm ở những địa bàn giáp ranh gây khó khăn cho công tác xử lý” - cán bộ này giãi bày thêm.
Chính quyền “bật đèn xanh”
Vu Gia, một con sông khác chảy qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, hơn 1 năm qua cũng bị đào khoét đất bờ. Đáng nói là việc khai thác này được chính quyền địa phương cho phép với danh nghĩa “cải tạo đất”.
Có mặt tại bờ sông Vu Gia thuộc địa bàn thôn Mỹ Thuận, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, chúng tôi chứng kiến cảnh một diện tích đất rộng lớn bị đào xới ngang dọc. Xe múc đất cát xới tung đất cạnh bờ sông để lại những hố sâu gần 1 m so với mặt đất canh tác bên cạnh.
Bà N.T.H, người dân xã Đại Nghĩa, cho biết hơn 1 năm qua, xe múc, xe tải hoạt động liên tục ở bãi sông này. “Họ khai thác, múc đất cát rầm rộ. Chẳng bao lâu nữa, đất canh tác của người dân chúng tôi trong này sẽ sớm bị lở, lũ lụt cũng tràn vào nhanh hơn. Nhưng đất đó là của xã, họ cho phép khai thác thì mình cũng chịu thôi chớ biết kêu ai” - bà H. than thở.
Theo ông Nguyễn Văn B., một người dân địa phương, việc khai thác trên là do một chủ doanh nghiệp đứng ra đảm nhận. “Xã cấp cho doanh nghiệp đó chủ quyền khai thác, cứ xe vào chở cát ra là nộp tiền cho chủ đó. Cái này cũng giống như việc xẻ đất bán lấy tiền chứ cải tạo chi!” - ông B. bức xúc. Ông B. dẫn chứng nếu cải tạo đất thì tạo vùng đất bằng phẳng chứ sao lại múc lên để lại khoảng sâu rộng đến cả mét. “Mà đất này có múc lên rồi thì cũng không sản xuất được đâu” - ông B. lo ngại.
Ông Phan Văn Ha, Trưởng thôn Mỹ Thuận, cho biết đa số người dân không đồng tình với việc chính quyền xã cho phép khai thác đất bờ sông. “Thực ra, xã giao cho doanh nghiệp đảm đương việc cải tạo đất, doanh nghiệp cho xe đến múc, chở đi bán lấy tiền rồi trả cho xã mỗi mét khối đất là 4.000 đồng. Chính quyền gọi là dự án cải tạo nhưng lại không bị mất tiền. Thế nhưng, cải tạo theo hướng xấu, người dân không đồng tình nhưng không hiểu sao chính quyền vẫn làm” - ông Ha nói.
“Cải tạo chứ không phải khai thác” (!)
Theo ông Đặng Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, việc khai thác đất cát ở Mỹ Thuận nằm trong dự án cải tạo đất bồi lấp để sản xuất đã được UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam phê duyệt.
Theo đó, việc cải tạo này sẽ được tiến hành trên 3 ha đất bên cạnh bờ sông Vu Gia. Ông Lộc cho hay phần đất đó là đất cằn cỗi, không thể sản xuất nên chủ trương của xã là cải tạo để lấy lại đất tốt, cho người dân canh tác chứ không phải là khai thác đất. “Quan điểm của xã là tạo đất rộng cho người dân sản xuất, xã không giao cho người dân đất xấu được. Việc múc đất cát cũng không ảnh hưởng gì đến sản xuất của bà con” - ông Lộc khẳng định.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc cứ xe cát chở ra là có chủ doanh nghiệp thu tiền, ông Lộc phớt lờ câu trả lời và nói: “Nói cho rõ ở đây là cải tạo chứ không phải khai thác, hiểu nhầm câu chữ rồi”.
Bình luận (0)