Nước lũ rút đi để lại cho nông dân vùng lũ quét Tuyên Hóa – Quảng Bình những “di sản” tai hại. Thay vì phù sa, cát đá đã tràn về lấp kín ruộng đồng, trong khi một phần khác đã bị sạt lở và mất dấu dưới dòng sông.
Tạm gác nỗi mất mát trong nhà lại, nông dân phải ra đồng để tính toán mùa vụ mới, lo xa trong cái đói cận kề nhưng không ai còn nhận ra ruộng đất nhà mình nữa. Những mảnh ruộng giờ đã nằm sâu dưới lớp cát trắng.
Đồng ruộng ở Cao Quảng ngập chìm trong biển cát
Dẫn chúng tôi đi ra cánh đồng Đượng, ông Trương Bá Thụ (73 tuổi, ở thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa) loay hoay mãi mà không thể tìm ra khoảnh ruộng của mình. 1,5 sào ruộng lúa 2 vụ là thu nhập chính của gia đình ông giờ bỗng dưng biến mất. “Vừa rồi, xã thông báo các hộ dân đến đăng ký giống cho vụ đông-xuân nhưng không ai còn bụng dạ nghĩ đến chuyện này. Ruộng như vậy thì còn trồng tỉa chi nữa”- ông Thụ xót xa.
Thôn Cao Cảnh có hơn 100 hộ nông dân với 9,7 ha ruộng lúa nằm ở cánh đồng Đượng bên lưu vực sông Rào Nan. Đây được xem là vựa lúa lớn nhất của xã vùng sâu Cao Quảng nhưng hầu hết đã xác xơ. Toàn xã Cao Quảng có 22 ha đất sản xuất bị lũ phá hỏng, trong đó 5 ha biến mất hoàn toàn vì xói lở.
Trực thăng cứu trợ đến Cao Quảng
Ngày 21-10, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã đi trực thăng đến thăm, tặng quà và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại xã Cao Quảng. Trước đó, Bộ Quốc phòng đã huy động 2 chuyến trực thăng đến thả hàng cứu trợ nhân dân Cao Quảng khi xã bị nước lũ chia cắt.
Cao Quảng có 1.260 hộ dân và đến 99% bị ngập sâu trong lũ. Thượng tướng Nguyễn Văn Được đề nghị quân đội và chính quyền địa phương nghiên cứu, triển khai các phương tiện, biện pháp phù hợp với đặc điểm khu vực để sẵn sàng đối phó thiên tai. |
Không riêng gì Cao Quảng, các địa phương nằm ven lưu vực chính của sông Gianh ở Tuyên Hóa cũng lâm cảnh tương tự. Ông Trương Thanh Lam, Chủ tịch UBND xã Châu Hóa, cho biết nhiều thôn trong vùng chưa thể triển khai kịp vụ mới vì 23 ha ruộng bị cát lấp và 8 ha đất màu xói lở.
Từ lãnh đạo địa phương đến nông dân đều chung tâm trạng ngao ngán trước cảnh đồng ruộng thành sa mạc. Việc khôi phục số diện tích ruộng đất này nằm ngoài khả năng của người dân cũng như chính quyền địa phương.
Trong khi nông dân xót lòng vì ruộng hóa cát thì lãnh đạo địa phương cũng đang rối như tơ vò bởi hàng chục cây số kênh mương thủy lợi bị vùi lấp hoặc cuốn trôi. Nặng nhất vẫn là xã Cao Quảng với phần lớn hệ thống mương bê tông đã nằm sâu dưới cát. Tại Châu Hóa, thống kê sơ bộ cho thấy 5.000 m kênh mương bị sạt lở và 2.000 m khác bị cát vùi lấp; 5 trạm bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp bị hư hỏng nặng...
Ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tuyên Hóa, cho biết tình trạng cát bồi lấp sau 2 trận lũ vừa qua phổ biến khắp các địa phương trong khu vực, nhiều nơi dày đến 0,5 m.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Quảng, lo lắng: “Việc sản xuất mùa vụ sắp tới coi như phá sản. Trước mắt, người dân có thể cầm cự bằng hàng cứu trợ nhưng thời gian kế tiếp họ không biết làm gì để sinh sống”.
Đi trên đường làng vùng lũ những ngày này, thấy nhiều người đưa cưa máy ra lau chùi, chỉnh sửa, chúng tôi chợt liên tưởng đến những tán rừng lại đổ xuống và lũ cấp tập lại xảy ra như hai đợt liên tiếp vừa qua ở Bắc Trung Bộ...
Bình luận (0)