xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cầu Bãi Cháy – “cây đàn Hạ Long”

Anh Phương - Nguyễn Quyết

15 giờ 30 phút chiều 2-12, tại bến phà Bãi Cháy qua eo biển Cửa Lục, đoàn người và xe lục tục xuống bến Hòn Gai. Nếu để ý, sẽ thấy chiếc phà hơi nghiêng một chút về phía bên phải, vì khách qua phà dồn hết sang mạn phải. Người đi bộ thì leo lên tầng 2 của phà, người đi xe máy cũng cố chen sang để ngắm thêm một chút...

Từ 6 giờ đến 18 giờ, toàn bộ bến phà hoạt động hết công suất, chở người qua lại miễn phí như một kỷ niệm trước khi chia tay. Hàng trăm người khách trên 6 chiếc phà xuôi ngược ngước mắt lên cao. Tiêu điểm của họ là cây cầu Bãi Cháy. 9 giờ sáng, tại đầu cầu phía Bãi Cháy, cây cầu chính thức khánh thành. Từ 15 giờ, xe cộ được phép lưu thông. 18 giờ, toàn bộ 12 chiếc phà tự hành đã nằm bến. Bến phà Bãi Cháy kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó.

Chút hoài niệm

Rất nhiều người trong số họ xuống phà không phải vì nhu cầu đi lại. Họ đi lần cuối cùng để chia tay những con phà đã gắn bó với người dân TP Hạ Long này từ 50 năm nay. Ông Cao Thức - nguyên trưởng Ty Giao thông Quảng Ninh những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, người từng phụ trách bến phà Bãi Cháy những năm chiến tranh chống Mỹ - trầm ngâm: “Mình tiếc hồi ấy không đề nghị tỉnh giữ lại những con phà từng vượt sông dưới làn bom đạn, mình đầy thương tích, để đưa vào trưng bày tại bảo tàng! Liệu rồi bọn trẻ sau này có hình dung nổi một bến phà ba lần anh hùng là như thế nào không nhỉ?”... Lạnh lùng hơn, một số hành khách khác đi phà lần cuối như để chia tay sự phiền toái của việc chờ đợi vất vả...

img
Khách chen chúc qua phà lần cuối trong ngày 1-12, như một kỷ niệm. Ảnh: T.LÂN, NGUYỄN QUYẾT

Còn anh Hải - nhân viên chiếc phà PM 02 - tâm tư vì những điều sắp đến. 12 chiếc phà tự hành, Hải Phòng “xin” 5, Phú Thọ 2, vài chiếc tiếp tục vận hành để chuyên chở xe container. 375 công nhân bến phà, số ít sẽ về nghỉ diện sắp xếp lại lao động dôi dư, số ít khác sẽ theo chân mấy con phà về những bến khác trong tỉnh như bến Triều, bến Rừng... số còn lại sẽ làm gì? Nghe “trên” nói, sẽ chuyển họ sang làm công nhân bảo dưỡng cầu.

Không cả nghĩ như những người lớp trước, đám thanh niên hồn nhiên, với họ đơn giản hơn nhiều. Đây là nơi đẹp nhất TP Hạ Long. Chiếc xe hoa lộng lẫy mang biển 29 đỗ ngay đầu phà. Hôm nay “được ngày” nên có nhiều đám cưới. Từ trong xe, cô dâu mới cứ ngước mắt lên nhìn cây cầu mãi không biết chán. Đám cưới rước cô từ Hạ Long về Hà Nội. Cô thấy hơi tiếc vì nếu chậm một ngày là đoàn xe rước dâu đã được đi qua cây cầu mới này rồi! Bước qua cầu về nhà chồng, nghe cũng hay hay... Cô còn định chụp một album ảnh cưới trên cầu, nhưng do chưa hoàn thiện nên không thực hiện được. Chiều nay cô về Hà Nội rồi. Cô bảo, nhất định khi nào quay về, điều đầu tiên cô làm là sẽ lên cây cầu này chụp cảnh cửa biển vào buổi sáng khi mặt trời lên...

Cản trở lớn nhất là... vịnh Hạ Long!

Năm 1997, ông Haruo Yanagawa, Giám đốc dự án xây dựng cầu Bãi Cháy cùng đoàn của Viện cầu và kết cấu Nhật Bản, lần đầu tiên đến Cửa Lục nghiên cứu tính khả thi cho việc xây dựng chiếc cầu. Công việc thiết kế chi tiết được triển khai vào tháng 11-1998 và hoàn thành tháng 12-1999. Tuy nhiên, từ trước đó nhiều năm việc nghiên cứu đánh giá tác động môi trường và cảnh quan lên 1.600 hòn đảo của vịnh Hạ Long đã được tiến hành.

Mặc dù cây cầu nằm sâu trong cửa Lục, không thuộc quần thể thiên nhiên vịnh Hạ Long nhưng từ giữa vịnh, nơi tập trung đông mật độ du thuyền, có thể quan sát rất rõ cây cầu. Để tôn trọng di sản, đã có ý kiến đề nghị làm đường hầm xuyên qua đáy Cửa Lục. Song, sự không khả thi của phương án này rất đơn đơn giản: kinh phí khổng lồ.

img
“Cây đàn Hạ Long” lung linh trong đêm Hạ Long

Ông Haruo Yanagawa cho biết, các nhà thiết kế đã rất đau đầu với yêu cầu: “Cây cầu này phải tôn thêm vẻ đẹp vịnh Hạ Long, một di sản thiên nhiên thế giới, đồng thời đáp ứng được yêu cầu bắt buộc: tiết kiệm”. Sau nhiều cuộc thảo luận, hầu hết các nhà chuyên môn đi tới phương án xây dựng cầu dây văng một nhịp thẳng tuột mà không cần trụ đỡ.

Tuy nhiên, bài toán giải trên thực tế còn khó khăn hơn nhiều. Cây cầu dây văng phải bảo đảm chiều rộng và chiều cao tĩnh không đường thủy cho tàu 50.000 tấn ra vào dễ dàng làm hàng tại cảng Cái Lân. Đây cũng là một sức ép đáng kể. Cây cầu cáp dây văng một mặt phẳng dây, có nhịp giữa lập kỷ lục thế giới là 435 m đã được chọn lựa.

Sự chọn lựa này từ tính ưu việt là người trên cầu ít bị hạn chế tầm nhìn sang hai bên do các bó cáp chịu lực được bố trí thành một dải chạy giữa mặt cầu nên có thể thoải mái tận hưởng cảm giác chơi vơi giữa trời và nước của vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới 2 lần được UNESCO công nhận.

“Cây cầu sẽ như một cánh tay phóng khoáng vươn qua mặt vịnh, bởi không thể để những cọc bê tông ken dày đột ngột mọc lên “xé nát” cảnh quan” - ông Haruo Yanagawa nhớ lại. Ba bộ giá đỡ màu vàng lựa chọn cho các ống dẫn HDPE trên cầu và các sợi cáp đâm từ trung tâm của hai tháp đầu cầu ra bên ngoài nhằm gây ấn tượng của hình khối mảnh mai dưới ánh mặt trời.

Tổng cộng 112 sợi dây cáp to cỡ bắp chân dài 50 m - 230 m, luôn căng như dây đàn. Toàn bộ cây cầu được “treo” trên hai ngọn tháp đầu cầu này. Mỗi tháp bê tông cao 137,5 m, tương đương tòa cao ốc 46 tầng. Chân tháp là các thùng bê tông kích thước 18 m - 22 m, chìm sâu 26 m (tương đương tòa nhà 9 tầng) trong nước biển.

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng trong ngày khánh thành cầu đã hồ hởi: “Kết quả ngày hôm nay là cây cầu và con đường không chỉ hài hòa với phong cảnh thiên nhiên mà còn tạo điểm nhấn kiến trúc ấn tượng cho cảnh quan của vịnh Hạ Long”. Còn người đại diện cho người dân Quảng Ninh - Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Nguyên Nhiệm - ví von một cách ngắn gọn: “Một nhạc sĩ đã gọi cầu Bãi Cháy là cây đàn Hạ Long”.

Đi trên cầu, đừng nhìn xuống 

Toàn miền Bắc trở lạnh. Sáng 1-12, từ trên cầu, chúng tôi đã nhầm lẫn giữa tiếng máy thi công đang nổ giòn giã với tiếng những ngọn cờ phướn đang bay phần phật đón gió. Gió Đông Bắc từ vịnh Hạ Long thổi vào khiến cây cầu như dải lụa, căng lên... Toàn bộ vịnh Hạ Long trải rộng trước mắt. Một cảm giác choáng ngợp về độ cao. Một công nhân của nhà thầu Cienco 1 đang làm nốt công việc dọn vệ sinh cuối cùng khẽ cười đùa: “Đừng nhìn xuống, chóng mặt”...

Mảnh mai vậy nhưng cầu Bãi Cháy đủ sức chống chọi với bất cứ cơn bão lớn nhất nào có thể đổ vào vịnh. Thoạt đầu, với các số liệu khí tượng thu thập tại Quảng Ninh trong vòng 30 năm, thì tốc độ gió ban đầu được đưa vào trong thiết kế với tần suất 1% (100 năm mới xuất hiện một lần) là 47,66 m/giây - sức gió 162 km/giờ - bão cấp 13 (tương đương tốc độ cơn bão Xangsane vừa qua).

Nhưng sau đó, độ an toàn này tiếp tục được “nâng cấp” để có thể chịu được bão cấp 14 với vận tốc gió tới 180 km/giờ, tương đương vận tốc của “siêu bão” Cimaron hay Chebi. Đây là tần suất ứng 0,75% (150 năm mới xảy ra một lần).Việc chống chọi với những trận cuồng phong này đã được tính toán kỹ: Giảm thiểu hưởng ứng của tải trọng gió lên cấu trúc bằng cách làm cho boong cầu mảnh mai hơn và 112 sợi cáp được nén nhỏ tối đa.

Việc kiểm tra độ ổn định khí động học mô hình tổng thể cầu 3 chiều đã được tiến hành với một mô hình cầu Bãi Cháy được thu nhỏ với tỉ lệ 1/150. Mặc dù đã được thu nhỏ với tỉ lệ lớn như vậy mà mô hình cầu Bãi Cháy vẫn còn dài tới 7 m. Bởi vậy, một hầm gió đã được thiết kế đặc biệt với kích thước cao 2 m, rộng tới 16 m đã được xây dựng.

“Sự mảnh mai kỳ diệu”

Trong bài viết về cầu Bãi Cháy đăng trên website www.bridgeweb.com của Hiệp hội Cầu thế giới, phóng viên Helena Russel đã không ngần ngại khi rút thành tiêu đề “Sự mảnh mai kỳ diệu”.

“Sự mảnh mai kỳ diệu” đã đưa cầu Bãi Cháy vào kỷ lục Guinness khi vượt mặt 4 cây cầu khác. Ông Haruo Yanagawa tự hào: “Cầu Bãi Cháy - một trong năm cầu dây văng dự ứng lực một mặt phẳng dây lớn nhất thế giới. Nếu so với cầu dây văng cùng loại là cầu Sunshine Skyway (Mỹ) thì cầu Bãi Cháy có độ dài kém hơn (903 m so với 1.219 m), song khẩu độ vượt sông thì hơn hẳn bởi nó dài tới 435 m. Và so với những cây cầu còn lại như cầu Elorn (Pháp), cầu Puenete Coatzacoaltos (Mexico), cầu Brôtnne (Pháp) đều có quy mô và tính kỹ thuật vượt trội.

Theo dự kiến ban đầu, nhịp chính cầu Bãi Cháy dài 250 m, tĩnh không yêu cầu là 200 m rộng và 50 m cao, đủ để bảo đảm cho tàu biển trọng tải 50.000 tấn qua eo Cửa Lục dễ dàng. Tuy nhiên, với lực va tàu tính toán của tàu 50.000 tấn thì kết cấu của thân trụ và móng trụ phải thật lớn, rất khó thi công móng trụ cầu nằm sâu dưới mực nước biển tới gần 20 m. Bởi vậy, khẩu độ của nhịp chính đã được kéo dài 435 m đủ để 2 trụ tháp đặt trên bờ. Và 435 m là khẩu độ nhịp lớn nhất thế giới đối với loại dây văng một mặt phẳng dây.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo