Là giáo viên ở quận Tân Phú, chị H. và chồng định mua nhà từ lâu nhưng mãi đến năm 2015, thấy căn nhà trong hẻm gần trường giá bán khá tốt nên bàn nhau mua bằng cách vay vốn từ Quỹ Phát triển nhà TP HCM (HOF). Ngặt nỗi, thời điểm đó chị mới hưởng lương ngân sách 2 năm trong khi HOF yêu cầu phải 3 năm. Đợi một năm sau đủ điều kiện thì giá nhà đã tăng.
Khó vay với lãi suất ưu đãi
Chị Lê Thị T., giáo viên một trường ở huyện Nhà Bè, cho biết tìm được căn hộ chung cư vừa ý và hợp khả năng, chỉ cần vay thêm một ít ở HOF nhưng khi làm thủ tục mới biết chương trình chỉ cho vay khi căn hộ có sổ hồng, mà chủ đầu tư chung cư này lại chưa làm được sổ hồng. Rốt cuộc, vợ chồng chị đành vay vốn của một ngân hàng với lãi suất cao hơn gấp 2 lần so lãi vay của HOF.
Một dự án nhà ở xã hội tại quận 2 (TP HCM) quy mô hơn 1.800 căn hộ đang xây dựng nhưng đã có hàng chục ngàn hồ sơ đăng kýẢnh: LÊ PHONG
Hiện HOF vẫn cho vay tạo lập nhà ở, hỗ trợ cán bộ, công nhân viên chức (CB-CNVC) với lãi suất ưu đãi. Theo đó, để được vay tối đa 500 triệu đồng với lãi suất 4,7%/năm, thời hạn vay tối đa 15 năm thì người mua phải là CB-CNVC thuộc các sở, ban - ngành, quận - huyện, cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc khu vực hưởng lương từ ngân sách TP; có hộ khẩu thường trú và đã công tác tại cơ quan, đơn vị 3 năm liên tục trở lên, đồng thời chưa đứng tên sở hữu nhà ở hoặc quyền sử dụng đất nào; bản thân cũng như vợ/chồng chưa từng được nhà nước giải quyết chính sách về nhà ở, đất ở. Quan trọng là người vay phải có khả năng tài chính để trả trước 30% tiền mua căn hộ/nhà dự định mua; có thu nhập ổn định để bảo đảm khả năng trả nợ, lãi vay và thế chấp bằng chính căn hộ sẽ mua.
Năm 2016, chương trình này giải ngân trên 270 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu bởi số lượng người nộp hồ sơ yêu cầu vay còn rất nhiều.
Cần cơ chế thoáng hơn
Ông Nguyễn Văn Đực, chuyên gia về thị trường bất động sản tại TP HCM, cho rằng lâu nay, TP đã quan tâm, tạo điều kiện để CB-CNVC của TP có nhà ở từ các chương trình cho vay của HOF, các dự án nhà ở xã hội (NƠXH)… Tuy nhiên, hiệu quả của các chương trình vẫn chưa cao lắm và TP có thể làm được nhiều hơn thế nếu đa dạng hình thức tạo quỹ nhà. Ví dụ, HOF có thể kết hợp, liên kết với doanh nghiệp xây, bán và cho vay để CB-CNVC dễ dàng tiếp cận nhà ở với giá tốt và vay vốn với lãi suất ưu đãi. Về NƠXH, theo ông Đực thì giá bán vẫn cao, không thấp hơn giá nhà ở thương mại giá thấp bao nhiêu do áp dụng đơn giá của Bộ Xây dựng, chưa kể vị trí xa trung tâm nên người mua cũng không hưởng lợi nhiều.
“TP nên xã hội hóa, xóa rào cản nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở với giá trung bình để có thể bán cho CB-CNVC và cả người lao động nhập cư hay công dân bình thường mà có nhu cầu. Theo đó, chính sách về tiền sử dụng đất hay thuế, lãi suất cần được ưu đãi, đặc biệt là hỗ trợ về chính sách” - ông Đực đề nghị.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea), cho rằng hiệp hội này luôn kiến nghị các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho CB-CNVC và cả người nhập cư có nhà ở bởi nhu cầu rất lớn và bức bách. TP HCM hiện có hơn 500.000 hộ chưa có nhà ở. Hằng năm có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới, 81.000 hộ cần NƠXH trong giai đoạn 2016-2020. Hiện số lượng sinh viên tại TP khoảng hơn 100.000 người, chưa tính gần 3 triệu người nhập cư cần nhà ở. Các ký túc xá và khu lưu trú công nhân do ngân sách đầu tư chỉ giải quyết được khoảng 13% chỗ ở; còn lại do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư nhà trọ, phòng trọ, phần lớn không đủ tiện ích, không bảo đảm an toàn, an ninh. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tham gia đầu tư phát triển dự án NƠXH, ký túc xá sinh viên, nhà lưu trú công nhân. Đây cũng là một hướng đầu tư phát triển bất động sản nhân văn mà vẫn đạt hiệu quả kinh doanh dù lợi nhuận rất thấp, thời gian thu hồi vốn rất dài.
Đặc biệt, Horea cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số chính sách nhằm kiến nghị bổ sung danh mục chi ngân sách nhà nước cho nhà ở phục vụ một số đối tượng chính sách, trong đó có danh mục chi cho NƠXH để có cơ sở tái cấp vốn ngân sách hằng năm, ngay từ đầu năm 2017, để thực hiện chính sách NƠXH; đề nghị cho phép các dự án nhà ở thương mại từ 10 ha trở lên cũng được xem xét thực hiện phương thức quy đổi bằng tiền đối với phần nghĩa vụ dành 20% quỹ đất kinh doanh để làm NƠXH tùy theo từng dự án; tạo cơ chế hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho các dự án NƠXH; rút ngắn thủ tục hành chính khi phê duyệt dự án NƠXH (hiện thủ tục phải mất đến 2 năm)...
Theo ông Châu, chính sách xây dựng NƠXH nhân văn và thiết thực nhưng nhu cầu rất nhiều mà dự án lại ít. Có trường hợp người có nhu cầu mất 10 năm chạy khắp nơi gửi hồ sơ đăng ký các chủ đầu tư nhưng chưa tiếp cận được căn hộ nào. Ông Châu dẫn chứng dự án tổ hợp nhà ở - NƠXH quận Tân Bình chỉ 168 căn hộ nhưng có hàng chục ngàn hồ sơ đăng ký, tỉ lệ mua được nhà chỉ khoảng 0,001%.
Chuyên gia kinh tế Phạm Ngọc Liên gợi ý nếu lương công chức từ 6-7 triệu đồng thì nên thuê nhà dài hạn. Ví dụ, khu vực quận Bình Tân đang triển khai một số dự án thuê nhà 6 năm, 12 năm, 49 năm. Chỉ cần đóng trước vài chục triệu đồng để sống những năm đầu và trả dần những năm tiếp theo. Nếu thu nhập từ 8-11 triệu đồng/tháng thì có thể mua nhà nhưng phải được hỗ trợ về việc vay vốn ngân hàng. ‘Tích lũy hằng tháng thì không thể đủ mua. Phải nhờ ngân hàng cho vay với lãi suất cố định và thời hạn trả kéo dài” - chuyên gia này phân tích.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-2
Sở Xây dựng TP HCM cho biết cuối năm 2017, TP sẽ bán 1.654 căn hộ NƠXH tại 4 dự án để phục vụ người có thu nhập thấp và có nhu cầu thực sự, gồm: khu dân cư Hạnh Phúc (huyện Bình Chánh) với 672 căn; tổ hợp NƠXH quận Tân Bình 168 căn; dự án 35 Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) 718 căn và khu nhà ở gia đình cán bộ lực lượng vũ trang Quân khu 7 (quận 12) 96 căn.
Bình luận (0)