Theo ghi nhận của chúng tôi, bó vỉa ngay dưới chân các cầu vượt bộ hành trên đều bị nứt và “tuột” xuống, có đoạn sâu đến 15 cm. Nền đất tại các trụ cầu cũng cao hơn hẳn so với vùng đất xung quanh, tạo thành những “vùng trũng” dưới chân cầu vượt. Ở vị trí bậc thang lên cầu vượt, phần vỉa hè bị “rớt” xuống khoảng 7 cm so với chân cầu.
Thạc sĩ Phạm Sanh (giảng viên ngành cầu đường - Trường Đại học Giao thông Vận tải) nhận định: “Cũng giống như tình trạng lún ở cầu vượt bộ hành Văn Thánh trước đây, các cầu vượt bộ hành trên đường Võ Văn Kiệt đang rơi vào tình trạng lún không đều hay lún lệch. Khi xây dựng cầu vượt, nhà thầu phải gia cố cọc để ổn định nền đất. Những vị trí được gia cố tốt thì đất “đứng im”, những vị trí không được gia cố cọc đang bị lún xuống, gây ra tình trạng xé nền và tạo thành các “vùng trũng” tại các cầu vượt trên”.
Ông Sanh cho biết trong trường hợp này buộc phải bù lún liên tục và hiện tượng lún tại các cầu vượt bộ hành này chỉ gây “xấu xí” cho công trình chứ không có nguy cơ gây ra tai nạn như tình trạng lún thành rãnh trên Đại lộ Đông Tây.
Theo ông Sanh, lỗi đầu tiên là của đơn vị tư vấn thiết kế. Đơn vị này đã tính toán độ lún ở khu vực nền đất yếu, sình lầy như quận 8 và quận Bình Tân không chính xác. Lỗi tiếp theo là của đơn vị tư vấn giám sát thi công khi dễ dàng “cho qua” hạng mục công trình không đạt chất lượng. Trên hết, chịu trách nhiệm cuối cùng vẫn là chủ đầu tư.
Trả lời về vấn đề này, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị TPHCM, cho biết mọi việc đang được theo dõi, kiểm tra, đánh giá, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp và xử lý theo điều kiện hợp đồng và hướng dẫn của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, đồng thời sẽ trả lời cho báo chí sau khi có kết luận chính thức.
Đường Võ Văn Kiệt đã được khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày 2-9-2009, dài 13,3 km. Dọc tuyến này có 9 cầu vượt bộ hành, trong đó theo khảo sát ban đầu của chúng tôi, có 3 cầu vượt bộ hành bị lún.
Bình luận (0)