Ông Lê Minh Thưởng bên cây thị “bố” và cây thị “mẹ”
“Gia bảo”
Năm cây thị này là “gia bảo” của dòng họ Lê ở xóm 2, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc - Nghệ An. Chúng là niềm tự hào của dòng họ Lê và họ còn vinh dự hơn khi mới đây, cả 5 cây thị này đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Trông nom vườn cây trị giá gần chục tỉ đồng này là ông Lê Minh Thưởng, trưởng tộc Lê Văn ở Nghi Lộc. Người dân địa phương thường gọi ông Thưởng là ông già họ Lê “dị tính” bởi ông đã từ chối những lời đề nghị mua 5 cây thị cổ với giá lên đến 1,5 tỉ đồng mỗi cây. Chừng ấy tiền đủ cho ông và cả đời con, cháu chẳng phải lo đến cái ăn, cái mặc.
Khi chúng tôi thắc mắc lý do từ chối món tiền tỉ để quyết giữ cây, ông Thưởng thủng thẳng: “Những cây thị này đã phù hộ cho tổ tiên dòng họ Lê của chúng tôi vào Nam, ra Bắc đánh giặc thắng lợi trở về. Năm cây thị là “gia bảo” của dòng họ Lê để lại cho con cháu. Chúng là vô giá, không thể bán được”.
Cây thị “bố” lớn nhất có chu vi gốc lên đến 14 m, cây thị “mẹ” nhỏ hơn một chút, còn 3 cây thị “con” thì cây bé nhất cũng có chu vi gốc 6 m. Cả 5 cây thị cổ đều mang dáng vẻ hùng vĩ, tự nhiên với thân tròn chi chít những u, cục, hang hốc. Mỗi cây đầy những múi gỗ như những đợt sóng xoắn xuýt tạo thành những đường gân lớn được bao phủ bởi một lớp dương xỉ, tầm gửi.
Tương truyền, thủy tổ của dòng họ Lê đất Nghi Thịnh là Lê Văn Hoan (quê Thanh Hóa) - một tướng tài của Đức Thái Tổ Lê Lợi, được phong làm Quý Công. Quý Công Lê Văn Hoan được giao cai quản vùng duyên hải miền Trung. Nhiều lần đi qua vùng đất Nghi Thịnh này, ông hết sức ngạc nhiên khi bao nhiêu cổ thụ bị cuồng phong đánh bật, gãy gục nhưng 5 cây thị này vẫn đứng hiên ngang giữa trời đất. Cho rằng Nghi Thịnh là vùng đất lành nên ông quyết định đưa con cháu đến lập làng sống quây quần quanh những cây thị còn sống sót.
Mỗi lần cất quân đánh giặc, Quý Công Lê Văn Hoan đều đứng dưới tán lá um tùm của vườn thị mà cầu bình an cho binh sĩ của mình. Kết quả, quân của ông luôn giành thắng lợi giòn giã. Dưới gốc cây thị “bố” đã được ông Lê Văn Hoan dựng đền để ghi nhớ công ơn trời đất, tổ tiên phù hộ độ trì. Sau những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt nhất, cả làng và cả ngôi đền đều bị phá hủy nhưng 5 cây thị cổ vẫn tồn tại như thể không có gì hủy diệt được chúng.
Vui sướng, tự hào và buồn lo
Trải qua nhiều thay đổi của cuộc sống và những biến đổi khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng kỳ lạ thay, 5 cây thị cổ của dòng họ Lê vẫn ngày càng xanh tươi và kỳ vĩ. Mơ ước 5 cây thị quý của dòng họ mình được công nhận là Cây Di sản Việt Nam của ông Thưởng cũng đã trở thành hiện thực. Ngày 29-8 vừa qua, ông nhận được thông tin Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận 5 cây thị của dòng tộc mình là Cây Di sản Việt Nam.
Ông Thưởng tâm sự: “Chúng tôi phấn khởi lắm. Từ nay, cây “gia bảo” dòng họ Lê đã được công nhận với những giá trị lớn lao về niên đại, lịch sử và văn hóa. Đó là niềm tự hào của con cháu dòng họ Lê chúng tôi nhưng từ đây, trọng trách của chúng tôi cũng lớn hơn khi 5 cây thị cổ này đã trở thành tài sản quốc gia”.
Vui sướng, tự hào là vậy nhưng trong sâu thẳm, ông Thưởng vẫn canh cánh một nỗi buồn: Từ nay, 5 cây thị cổ không còn là “gia bảo” của riêng dòng họ Lê nhà ông nữa nhưng chưa thấy các cơ quan chức năng bàn bạc gì đến các cơ chế, biện pháp để bảo vệ, chăm sóc chúng. Ông cũng đã nhận được thông báo chuẩn bị tổ chức lễ đón bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho 5 cây thị cổ nhưng kinh phí, cách thức tổ chức thế nào thì chưa thấy người ta hướng dẫn. Mấy ngày qua, ông chạy đôn chạy đáo khắp nơi đề nghị các cơ quan và địa phương hỗ trợ nhưng chưa nhận được câu trả lời.
“Nói thật, khoảng chục triệu đồng trở lại thì tôi lo được nhưng nhiều hơn thì chịu. Lễ đón bằng công nhận Cây Di sản không thể làm qua quýt được, rồi còn khách khứa, người đến tham quan nữa…, mình tôi lo không xuể” - ông Thưởng tư lự.
Một trong 3 cây thị “con” ở huyện Nghi Lộc - Nghệ An 106 Cây Di sản Việt Nam Hiện nay, cả nước có 106 cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Trong đợt xét duyệt vừa qua, ngoài 5 cây thị cổ của ông Lê Minh Thưởng ở Nghệ An, 8 cây cổ khác ở Bình Định và Hà Nội cũng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Trong số 13 Cây Di sản Việt Nam được công nhận năm nay, TP Hà Nội có số lượng nhiều nhất: Cây sanh ở đình Nhật Tân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ; cây đa trước cổng chùa Khai Nguyên, phường Xuân La, quận Tây Hồ; cây thị ở đình Quán La, phường Xuân La; cây si ở phủ Tây Hồ, phường Quảng An, quận Tây Hồ; cây đa cổ thụ ở xóm Quýt, xã Yên Bài, huyện Ba Vì và cây lộc vừng 2 thân ở xã Châu Sơn, huyện Ba Vì. Những cây này có rất nhiều gốc, cành và tán lá đẹp, tuổi 250 - 1.000 năm, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa. |
Bình luận (0)