xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cây sộp cũng biết se duyên

HỒNG ÁNH - CAO NGUYÊN - TRẦN THƯỜNG

Không chỉ tạo cảnh quan tươi mát, những gốc cổ thụ được giữ lại khi làm đường là sợi dây kết nối tâm tư, tình cảm cho người dân địa phương

Phú Yên có những cây sộp nổi tiếng, trong đó có 3 cây đứng thẳng hàng án ngữ giữa Quốc lộ 25, đoạn qua thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa.

Cây hôn nhân

Người dân Hòa Định Tây gọi đoạn đường qua 3 cây sộp ở xã này là “con đường một chiều ngắn nhất Việt Nam”. Chỉ là nói vui nhưng lại không sai, đoạn đường một chiều này chỉ dài đúng 15 m, đủ ôm 3 cây sộp nằm lọt thỏm giữa lòng đường.

Ba cây sộp trên Quốc lộ 25 là nơi chứng kiến bao mối tình đơm hoa kết trái Ảnh: HỒNG ÁNH
Ba cây sộp trên Quốc lộ 25 là nơi chứng kiến bao mối tình đơm hoa kết trái Ảnh: HỒNG ÁNH

Quốc lộ 25 dài 182 km, khi đến 3 cây sộp bỗng tách làm đôi. Ba cây sộp với chu vi mỗi cây đến 4 người ôm không xuể nằm giữa đường tỏa bóng mát cả một vùng rộng lớn và trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho bao người.

Bà Nguyễn Thị Thi (55 tuổi) bán nước mía dưới gốc 3 cây sộp gần 25 năm, cho biết quán nước mía là nguồn sống chính của gia đình bà mấy chục năm qua. Nhưng điều bà vui nhất là dưới gốc 3 cây sộp này, nhiều mối tình đã đơm hoa kết trái. Theo bà Thi, có ít nhất 10 cặp vợ chồng mà bà biết đã gặp nhau lần đầu dưới tán sộp này. Khi đã thành đôi, nhiều người thi thoảng có việc đi qua vẫn ghé quán bà giải khát. Bởi vậy, bà gọi 3 gốc sộp này là cây hôn nhân. Kể đến đây, bà Thi như nhớ ra điều gì, lục tìm trong túi áo một mảnh giấy nhàu cũ, nói: “Họ còn cho tui số điện thoại nữa nè”.

Lần tìm qua số điện thoại bà Thi cung cấp, chúng tôi gặp được chị Trần Thị Tuyết Nhung khi chị đang bán hàng tạp hóa cho khách, bên cạnh là một bé trai kháu khỉnh. Chồng chị Nhung, anh Đinh Công Thắng, đang lên rẫy. Nói về ngày đầu gặp gỡ ở 3 cây sộp, chị bẽn lẽn: “Có gì đâu. Hôm ấy mình đi lấy hàng, đến đó dừng uống nước, gặp ảnh cũng dừng nghỉ ở đấy. Ảnh làm quen. Thấy ảnh hiền nên mình cũng chịu”.

Bà Nguyễn Thị Nhẻo (68 tuổi), nhà gần 3 cây sộp, cho biết khi ông nội bà đến đây khai hoang đã có mặt nhóm 5 cây sộp này. Thấy cây to, ông của bà không dám chặt mà để vậy chăm sóc ngay trong vườn nhà. “Hồi mở đường, người ta mang cưa máy đến cắt nhưng giật mãi máy cưa không nổ. Rồi người ta cho cả xe ủi vào nhưng cứ gần đến nơi thì xe tắt máy nên chẳng ai dám đụng vào mấy cây sộp” - bà Nhẻo kể. Cũng theo bà Nhẻo, khi 2 cây sộp trong nhóm cây này bị gió bão xô ngã, làng phải làm lễ cúng xin được hạ cây cho người qua lại.

Theo ông Nguyễn Phi Hổ, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Định Tây, 3 cây sộp trên Quốc lộ 25 là niềm tự hào của xã. “Khi mở rộng Quốc lộ 25, vì phía Đông là kênh dẫn nước nên buộc phải mở về phía Tây. Cứ nghĩ 3 cây sộp sẽ bị đốn hạ nhưng nhiều người lớn tuổi không đồng ý nên 3 cây ấy vẫn còn” - ông Hổ nói.

Xem cây như người thân

Trên Quốc lộ 1 đi qua địa phận thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cũng có một cây sộp cao rợp bóng. Cây sộp này án ngữ ngay ngã ba nối Quốc lộ 1 với tuyến Quốc lộ 14E đi các huyện Hiệp Đức, Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam. Dưới gốc cây sộp có gần 10 hộ dân bán nước giải khát mưu sinh.

Ông Nguyễn Văn Thích (70 tuổi, ngụ tổ 3, thị trấn Hà Lam) cho biết cây sộp này có tuổi đời hàng trăm năm. Với người dân Hà Lam, cây sộp không chỉ che mát mà còn che chở, phù hộ cho xóm làng nên từ bao đời nay, người dân luôn xem cây như người thân và ra sức bảo vệ. Trước niềm tin của người dân, dù cây sộp nằm sát Quốc lộ 1 nhưng khi nâng cấp, mở rộng đường, đơn vị thi công chấp nhận nắn đường để né cây. “Thậm chí không ai chặt nhánh cây nào” - anh Ngô Văn Hoàng, người bán nước dưới gốc cây sộp, khẳng định.

Không chỉ các tuyến quốc lộ, những con đường trong thôn xóm khi được nâng cấp mở rộng cũng luôn đặt tiêu chí giữ cây lên hàng đầu. Trên đường giao thông nông thôn chạy qua thôn 7A, xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk có một cây đa cổ thụ nằm chễm chệ, quanh năm rợp bóng. Theo người dân địa phương, những năm 1980, khi họ đến khai phá vùng đất này đã thấy có cây đa. Cách đây khoảng 7 năm, Công ty Cà phê 719 (đóng trên địa bàn xã) nâng cấp con đường liên xã. Do phần đường nằm bên phải cây đa quá hẹp nhưng để bảo vệ cây, công ty đã chọn phương án mở thêm một con đường phía bên trái dù phải bỏ tiền ra bồi thường đất cho người dân.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-4

Kỳ tới: Giữ cây bằng mọi giá

Gặp cổ thụ là phải bảo vệ

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên, cho biết chủ trương của sở khi làm đường gặp cổ thụ là để lại. “Mình vẫn tìm cách bảo đảm các tiêu chí về đường giao thông nhưng phải để cây lại. Đó không chỉ là tôn trọng ý nguyện, tín ngưỡng của người dân mà còn vì cảnh quan cho tuyến đường” - ông Đông khẳng định. Lấy ví dụ về việc giữ lại 3 cây sộp trên Quốc lộ 25, ông Đông nói: “Tốn kém hơn một chút khi làm 2 làn đường cho xe chạy một chiều nhưng chi phí ấy tốn không bao nhiêu mà giữ lại 3 cây ấy thì ý nghĩa hơn nhiều”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo