Chiều 30-8, một cây xanh lại bật gốc trên đường Sư Vạn Hạnh, phường 9, quận 5, TP HCM đè lên xe máy và anh Huỳnh Minh Cường (34 tuổi, ngụ quận 10). Như vậy, chỉ chưa đầy 1 tuần, 3 sự cố cây xanh bật gốc, gãy cành đã khiến 2 người thiệt mạng và 1 người bị thương.
Chưa rõ “thiên tai” là gì
Kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm, Chánh Văn phòng Hiệp hội Công viên Cây xanh Việt Nam, cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cây xanh bị ngã, gãy trong thời gian qua là do đã già cỗi. Cây càng già thì càng có nhiều khiếm khuyết mà bằng mắt thường không thể biết được và cũng không có máy móc đủ hiện đại để “siêu âm”. Nghiêm trọng hơn, các tòa nhà cao tầng ở TP HCM ngày càng nhiều, tạo ra những luồng gió mạnh quật ngã, gãy cây.
Ngoài ra, tình trạng đào đường để lắp đặt các công trình ngầm, sau đó bê-tông hóa vỉa hè khiến rễ cây không có không gian sinh trưởng. “Nhiều vụ cây bật gốc gần đây cho thấy rễ cọc bị mục gần hết, chỉ còn lưa thưa rễ nhánh mọc sát mặt đất nên không đủ sức chống đỡ trước gió giật” - ông Kiểm nhận định.
Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TP HCM), khi để xảy ra sự cố cây xanh đè chết người thì trách nhiệm đầu tiên là của Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh. Đa phần các trường hợp này, đơn vị quản lý đổ lỗi do thiên tai, trong khi có nhiệm vụ chăm sóc, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp cây xanh bị hư hại để bảo đảm an toàn cho người dân.
Về việc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh chỉ hỗ trợ cho người bị thiệt hại, luật sư Thảo cho rằng công ty thường sử dụng cụm từ “thiên tai” để né trách nhiệm. “Cứ mưa lớn thì đổ cho thiên tai là không được, trong khi định nghĩa về thiên tai cũng chưa rõ ràng” - luật sư Thảo nêu.
Luật sư Thảo cho rằng việc xác định chủ sở hữu cây xanh trong trường hợp này thuộc về ai cũng là câu chuyện cần xem xét. Điều 626 Bộ Luật Dân sự quy định về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại trừ trường hợp do nạn nhân tự gây ra và bất khả kháng.
“Gia đình người bị hại phải “nắm” đơn vị trực tiếp quản lý cây xanh là Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh để đòi bồi thường. Nếu công ty này được thuê thì xác định trách nhiệm trong hợp đồng nội bộ giữa Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và công ty hoặc 2 bên tự thỏa thuận, thương lượng” - luật sư Thảo nói.
Lập quỹ hỗ trợ 1 tỉ đồng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh cho biết đây là những sự cố đáng tiếc, đau lòng. Sau khi sự cố xảy ra, công ty đã tiến hành hỗ trợ các gia đình nạn nhân nhằm chia sẻ mất mát, đau thương. Cụ thể, đối với trường hợp bị thương, công ty đã nhanh chóng hỗ trợ thuốc men, viện phí. Đối với người chết, công ty đã cùng với gia đình lo hậu sự. Về mức hỗ trợ, theo đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh, do gia đình nạn nhân đang tang gia bối rối nên chưa tính được, sau khi lo xong hậu sự sẽ có con số cụ thể.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề trách nhiệm thuộc về ai đối với những sự cố trên thì vị này cho rằng đây là tình huống bất khả kháng, không thể lường trước được. “Cây xanh ở Công viên Tao Đàn trước khi gãy cành vẫn sinh trưởng bình thường, không nằm trong danh sách những cây cần thay thế. Công ty cũng đã chăm sóc cây đúng quy trình. Vì vậy, để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm thuộc về ai thì sẽ có các cơ quan chức năng khác vào cuộc” - vị này nói.
Ông Nguyễn Khắc Dũng - Trưởng Phòng Quản lý công viên cây xanh, Sở GTVT - cho biết sau khi sự việc xảy ra, sở đã giao Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh có trách nhiệm hỗ trợ người dân. “Về nguyên nhân, hiện chưa xác định được nhưng ghi nhận khi cây bị ngã, gãy, tại khu vực có kèm cơn giông, gió giật mạnh. Trong trường hợp nguyên nhân gây ra do trách nhiệm chủ quan, thuộc đơn vị chăm sóc cây xanh (Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh - PV) thì sẽ truy cứu trách nhiệm cụ thể” - ông Dũng khẳng định.
Theo ông Dũng, UBND TP đã đồng ý về mặt chủ trương là chi 1 tỉ đồng để lập quỹ hỗ trợ người dân trong trường hợp do sự cố cây xanh ngã, gãy gây ra. Dự kiến, trong trường hợp bất khả kháng sẽ được hỗ trợ từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. “Sở GTVT đang làm việc với các Sở Tài chính, Sở Tư pháp để đi đến thống nhất vấn đề về cơ chế thu - chi” - ông Dũng thông tin. Về lâu dài, ông Dũng cho biết Sở GTVT sẽ trình UBND TP việc mua bảo hiểm cho cây xanh, phòng trường hợp xảy ra sự cố sẽ có đơn vị thứ ba giải quyết để khách quan hơn.
Cần có thiết bị đo gió
Một chuyên gia về cây xanh cho biết hiện nay, TP HCM được chia thành 3 khu vực, gồm: những tòa nhà cao tầng tạo ra hiệu ứng gió luồng gây lốc cục bộ, kênh - rạch và ngã ba - ngã tư. Do đó, UBND TP và các cơ quan quản lý cần xem xét đến việc đặt thiết bị đo đếm gió tại những khu vực trên để tính mức độ tác động của gió đối với cây xanh.
“Theo cách này, sẽ xác định được những khu vực nào có gió lớn để hạn chế cổ thụ, cây cao. Ngoài ra, đây cũng là cách để sau khi có sự cố xảy ra thì quy trách nhiệm một cách khách quan hơn” - chuyên gia này kiến nghị.
Bình luận (0)