Sự tiến bộ và cấp thiết của công ước này là điều không còn gì phải bàn nhưng vẫn còn quá nhiều quốc gia thờ ơ, thậm chí phủ nhận quyền hiển nhiên và vai trò lớn lao của trẻ em trong tương lai. Đâu đó vẫn còn nhiều trẻ em bị ngược đãi, sỉ nhục và phó mặc cho tương lai đen tối.
Chúng ta hẳn không quên khi lần đầu tiên hình ảnh cô bé Afghanistan Aesha Mohammadzai xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time với chiếc mũi bị cắt làm bàng hoàng cả thế giới. Bị ép gả khi còn là một cô bé, Aesha trốn khỏi nhà chồng nhưng bị bắt lại và người chồng nhẫn tâm cắt mũi của bé. Sự xuất hiện của em trên bìa tạp chí khẳng định quyền sống của trẻ em trong mọi hoàn cảnh và là lời tuyên chiến đanh thép với suy nghĩ ấu trĩ của nhiều người ở nhiều quốc gia.
25 năm qua, chúng ta đã đạt những thành tích lớn lao trong việc bảo vệ và tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em. Tỉ lệ trẻ đến trường tăng cao, được chăm sóc, giáo dục ngày càng tốt hơn nhưng cũng phải thừa nhận vẫn có không ít trẻ em còn xa lạ với những mục tiêu trên. Hằng ngày, chúng ta vẫn thấy nhan nhản trên các phương tiện truyền thông tin tức trẻ em bị xâm hại, trẻ em không được đến trường, bị ngược đãi... Đau lòng thay, trong những báo cáo từ các địa phương, những gì thuộc về trẻ em lại thường được tô hồng và minh họa bằng những con số quá đẹp đẽ.
Trong khi biết bao trẻ em vùng cao phải ngày ngày lội bộ hàng chục km đến trường với cái bụng rỗng thì lãnh đạo các tỉnh này lại hồ hởi với những dự án ngàn tỉ chỉ để xây trụ sở, quảng trường... Khi họ xoa đầu con cái mình thì quên mất rằng còn nhiều đứa trẻ đang lê la khắp nơi bán từng tờ vé số kiếm cơm qua ngày. Trong những ngày này, khi mà cán bộ dùng tiền tỉ chỉ để du lịch dưới cái mác “học tập kinh nghiệm” thì rất nhiều đứa trẻ không có nổi một mái lá che thân, phong phanh trong manh áo rách, mơ về một bữa cơm no.
Lo cho trẻ em phải thực chất và bền vững chứ không thể theo kiểu phong trào. Vài món quà trong các dịp lễ Tết chẳng giúp các em vững bước đến trường. Sửa một mái nhà chẳng dìu các em đến được tương lai... Không ít nơi, không ít cán bộ đối với việc lo cho trẻ em chỉ là muốn làm đẹp những con số để lót đường công danh của mình. Gần 6.000 trẻ em bỏ học ở Tây Nguyên nhưng các báo cáo của cơ quan liên quan vẫn đẹp ngời ngời! Bao nhiêu học sinh ĐBSCL bỏ lớp mưu sinh nhưng ngành giáo dục địa phương vẫn tuyên bố 100% học sinh đến lớp. Hàng ngàn trẻ em không đủ no đến trường nhưng không ít lãnh đạo vùng cao phía Bắc vẫn tự hào kinh tế địa phương phát triển...
Trẻ em là tương lai. Không thể bịt mắt bịt tai để mãn nguyện với những gì đang có. Không chăm lo chu đáo cho trẻ em hôm nay, chúng ta không có quyền hy vọng vào tương lai.
Bình luận (0)