Gặp trên một chuyến xe buýt khi Nguyễn Văn Kế đang trên đường từ trường về nhà trọ, tôi rất bất ngờ khi biết cậu bé chỉ cao 1,02 m, xấp xỉ một đứa trẻ 6 tuổi nhưng lại là sinh viên năm thứ 3 lớp điện tử 7, K55, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Vượt lên số phận
Bạn bè thường gọi Kế là “chú bé tí hon” nhưng khi tiếp xúc với “chú bé tí hon” này, tôi nhận ra rằng đằng sau thân hình bé nhỏ ấy là một ý chí lớn. Khá thân thiện, “chú bé tí hon” đã không ngần ngại mời tôi về phòng trọ dù đây là lần đầu tiên gặp gỡ.
Căn phòng nhỏ tại một xóm trọ khu chợ Kiều Mai, Từ Liêm, Hà Nội là nơi ăn ở, sinh hoạt của Kế cùng 2 người bạn. Vừa pha trà mời khách, Kế vừa kể cho tôi nghe về những ngày thơ ấu và con đường vượt lên số phận trong ánh mắt đượm buồn nhưng đầy niềm tin vào cuộc sống.
Ngày Kế ra đời có lẽ là ngày hạnh phúc nhất của gia đình vì khi đó Kế nặng 3,8 kg và sau đó phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Cả gia đình rất thương yêu Kế.
Nhưng cuộc sống lại có những định mệnh nghiệt ngã và bất ngờ đổ ập xuống khi Kế bước vào lớp 1. Lúc này, trong khi các bạn cùng lớp phát triển dần theo tuổi tác thì Kế giữ mãi hình dáng cũ.
Đau đớn hơn khi gia đình đưa Kế đi khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, sau khi khám và xét nghiệm, các bác sĩ cho biết em bị trụy tuyến yên, liệt không sản xuất được hoóc-môn sinh trưởng.
Chàng Kế tí hon nhưng lại có một mơ ước lớn
Kế không cầm được nước mắt khi tâm sự với chúng tôi về những tháng ngày ấy: “Khi biết em không phát triển bình thường như mọi người, bố mẹ em đã bán tài sản, vay mượn thêm tiền để chữa trị cho em nhưng mọi cố gắng đều đổ xuống sông, xuống biển.
Nhiều lần nhìn chúng bạn nô đùa mà mình bé quá không thể chơi như các bạn, em buồn lắm. Bị bạn bè chế nhạo, nhiều lúc em tự ti mặc cảm định nghỉ học. Nhưng nhìn bố mẹ lao động vất vả để cho em ăn học, em lại không đành lòng, nếu tuyệt vọng, buông xuôi sẽ rất có tội với bố mẹ. Từ đấy, em luôn nghĩ mình phải cứng rắn, mạnh mẽ và lạc quan, chứng minh để mọi người biết dù thân hình không phát triển bình thường nhưng nếu cố gắng vẫn làm được nhiều điều để giúp gia đình và bản thân”.
Suốt những tháng ngày học trung học, Kế không một lần vắng mặt. Em luôn cố gắng học tập tốt để không phụ lòng mong mỏi của gia đình. Vì thế, năm nào em cũng là học sinh tiên tiến, được thầy cô và bạn bè quý mến, cảm phục.
Kế kể lại vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi bước vào phòng thi, giám thị không cho Kế vào vì nghĩ “em bé” này đi lạc. Sau đó, Kế phải trình thẻ dự thi, vị giám thị này mới cho Kế vào phòng thi.
Phải sống có ích
Sau khi tốt nghiệp THPT, Kế chỉ nặng 17 kg và cao 1 m. Bạn bè và mọi người rất bất ngờ khi Kế làm hồ sơ thi vào Khoa Điện tử Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và càng bất ngờ hơn khi Kế trúng tuyển vào hệ cao đẳng của trường.
Những tháng ngày xa nhà (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) lên Hà Nội học, với một cậu bé có thân hình tí hon như Kế quả gặp không ít sự bàn tán của những người xung quanh. “Lần nào cũng vậy, cứ lên xe buýt là em lại nhận được những ánh mắt tò mò của mọi người.
Có lần, mấy bạn học sinh cấp 3 nghĩ em học lớp 1 rồi gọi em là bé”. Một lần khác, cũng trên xe buýt, một nữ sinh viên hỏi Kế: “Thế bố mẹ đâu mà để em lên xe một mình, học ở đâu để chị đưa đi”. Khi Kế nói mình là sinh viên Trường Đại học Công nghiệp, nữ sinh viên này không tin và cho rằng thằng bé láu cá - Kế kể lại.
“Con người sống phải có ý chí và nghị lực. Phải vượt lên chính bản thân mình để sống có ích cho xã hội”- Kế chia sẻ. Được sự giới thiệu của bạn bè, Kế được nhận làm cộng tác viên của doanh nghiệp viễn thông. Sau một thời gian, Kế đã chứng tỏ được mình với nơi làm thêm bằng sự cẩn thận, khéo léo, chất lượng và uy tín trong công việc.
Kế (phải) và một bạn cùng trang lứa
“Em sẽ vận dụng những kiến thức mà mình học được trong nhà trường, tự mình sẽ mở một công ty chuyên về điện tử để giúp đỡ người khuyết tật có công ăn việc làm ổn định, giúp họ không còn mặc cảm về bản thân để sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội” - Kế bộc bạch về kế hoạch sắp tới của mình. Ông Nguyễn Thế Bản, cha của Kế, cho biết: “Trong nhà, Kế là người thua thiệt nhất nhưng lại sống rất tình cảm. Gia đình luôn tự hào về ý chí, nghị lực của Kế”.
Không chỉ gia đình, những người bạn của cậu sinh viên nhiều thiệt thòi này cũng có cùng nhận xét: Tuy Kế có hình dáng nhỏ bé nhưng cậu ấy có suy nghĩ lớn lao mà những người phát triển bình thường cũng phải học tập và cảm phục, đặc biệt là ý chí và nghị lực, dám dũng cảm vượt qua khó khăn.
Chia tay Kế, trong lòng chúng tôi có nhiều cảm xúc đan xen. Ý chí và nghị lực lớn lao của “chú bé tí hon” đã giúp không chỉ cho bản thân cậu mà còn là tấm gương cho những ai đang đứng trước thử thách nghiệt ngã của cuộc sống. Không chỉ nghĩ cho bản thân và gia đình, Kế còn phấn đấu để có cơ hội giúp đỡ những người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Mong sao ước mơ của Kế sẽ thành hiện thực.
Bình luận (0)