Theo nội dung vụ việc, từ chuyện làm ăn, bà Nguyên khởi kiện ông Phạm Việt Hùng (ngụ xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) ra TAND huyện Đắk Hà đòi 9,8 tỉ đồng tiền nợ. Để bảo đảm cho việc thi hành án, bà Nguyên có đơn yêu cầu và TAND huyện Đắk Hà đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản là căn nhà số 87 Đỗ Huy Uyển, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng thuộc sở hữu của vợ chồng ông Hùng. Sau đó, vụ án được chuyển đến TAND tỉnh Kon Tum. Ngày 18-10, TAND tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp dân sự trên, thẩm phán Mai Xuân Thành là chủ tọa.
Theo bà Nguyên, trong băng ghi âm nội dung diễn biến phiên xử không thể hiện việc ông Hùng có đơn, cũng như không có nội dung liên quan đến việc đề nghị HĐXX hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND huyện Đắk Hà. Toàn bộ bản án sơ thẩm đã tuyên tại phiên tòa cũng không có nội dung nào liên quan đến việc hủy bỏ quyết định này.
Phiên tòa tranh chấp dân sự ngày 18-10
Tuy nhiên, trong bản án sơ thẩm số 04/2016 ngày 18-10 của TAND tỉnh Kon Tum do thẩm phán Mai Xuân Thành ký lại có chi tiết tại phiên tòa, ông Hùng có đơn xin hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong phần quyết định của bản án sơ thẩm cũng ghi hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Phần quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này có hiệu lực thi hành từ ngày 18-10.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Mai Xuân Thành cho biết việc ra quyết định đã hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời là do trong phiên xét xử, ông Hùng đã có đơn đề nghị, thư ký cũng ghi rõ trong biên bản phiên tòa. Việc không đưa nội dung này vào phần xét hỏi là vì đây không phải thủ tục để đưa ra tranh tụng tại phiên tòa. Đây chỉ là đơn đề nghị, có thể chấp nhận hay không chấp nhận. Việc chấp nhận là do cả hội đồng. Nội dung này đã được đưa ra bàn bạc tại phòng nghị án, có biên bản. Cũng theo ông Thành, việc bản án ghi nội dung hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại điều 266 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015.
Theo luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn Luật sư TP HCM), trước tiên phải xem xét đơn yêu cầu hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời là có hay không và nội dung đó có được đưa ra xem xét tại phiên tòa hay không. “Luật quy định rõ trường hợp có quyết định phải thi hành ngay thì phải ghi rõ quyết định đó. Có nghĩa là ra quyết định ngay trong lúc xét xử. Ví dụ, quyết định chấp nhận hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải ra quyết định hủy bỏ, sau đó ghi quyết định vào nội dung bản án” - luật sư Diệp phân tích.
Cũng theo luật sư Diệp, nếu ông Hùng có nộp đơn tại phiên tòa thì HĐXX phải đưa ra thảo luận giải quyết tại phòng xử án, tức là công khai ngay tại phiên tòa, chứ không phải thảo luận tại phòng nghị án hay ghi trong biên bản nghị án. Nếu biên bản nghị án có ghi nội dung thảo luận về việc HĐXX chấp nhận hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì nội dung này cũng không được xem là hợp pháp.
Bình luận (0)