Giờ Tý (0 giờ ngày rằm tháng giêng), lễ hội Khai ấn đền Trần (tỉnh Nam Định) mới diễn ra nhưng trước đó hàng vạn du khách đã đổ về ngày một đông. Tất cả các ngả đường dẫn vào đền dày đặc người và xe.
Hàng rào sắt được lực lượng chức năng dựng lên xung quanh các lối vào đền Trần.
Xe ôm, dịch vụ giữ xe, khách sạn “làm giá”
Bà Cao Thị Tính - Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội đền Trần - cho biết lễ hội diễn ra từ ngày 1 đến 6-3 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng giêng Ất Mùi). Trước đó, ban tổ chức đã tổ chức xe, kinh phí đưa toàn bộ số người xin ăn về quê hoặc gửi vào các trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, khu vực đền Trần vẫn còn tình trạng xin ăn, hát dạo bán hàng rong diễn ra tràn lan, xe ôm chèo kéo “chặt chém” du khách với giá trên trời.
Tại các bãi giữ xe, UBND TP Nam Định đã ban hành quy định giá giữ ô tô tối đa không quá 30.000 đồng. Thế nhưng, nhiều bãi giữ xe vẫn thu 50.000 đồng/xe. Dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ quanh khu vực đền cũng tăng giá gấp nhiều lần nhưng vẫn trong tình trạng “cháy phòng”. Giá phòng sáng 4-3 đã lên đến 350.000 đồng (phòng đơn) và 450.000-500.000 đồng (phòng đôi)/đêm nhưng nhiều du khách muốn thuê phòng cũng không có.
Lễ hội Minh thề: Chỉ có dân thề
“Không tham nhũng, ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ, ngược lại người lấy của công về làm của tư, xin thần linh đả tử...; làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt” - đó là lời thề của các “quan chức” xã Thuận Thiên (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) tại lễ hội Minh thề, chùa Hòa Liễu vào ngày 4-3. Lễ hội tái dựng nghi lễ những người làm quan thề “không tham nhũng” và những nông dân thề “trung thực, ngay thẳng”.
Giữa thế kỷ XVI, Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn - vợ Thái tổ Mạc Đăng Dung - đến lập ấp Lan Niểu (thuộc thôn Hòa Liễu ngày nay). Bà tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc góp tiền tu tạo ngôi chùa cổ, cùng dân làng lập hội Minh thề. Từ đó, công đức của Thái hoàng Thái hậu được nhân dân lập đền, tạc tượng ghi ơn. Lễ hội tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng giêng hằng năm.
Theo ông Lê Văn Quý, Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy, lễ hội Minh thề được tổ chức với mục đích kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian và giáo dục lối sống tốt đẹp cho người dân. Hịch văn hội Minh thề đã và đang phát huy rất lớn những giá trị nhân văn trong cuộc sống đương đại, có sức lan tỏa trong cộng đồng. “Trong lễ hội này chủ yếu là người dân thề, trong khi đó một số ý kiến cho rằng phải có lãnh đạo, cán bộ, đảng viên cấp làng xã, thậm chí cấp cao hơi phải thề” - ông Quý nói.
Ông Phạm Phú Oanh, người đảm nhiệm vai trò chủ lễ của nghi thức lễ hội Minh thề từ năm 2005 đến nay, cho biết: “Đã từ lâu nay, những lời tuyên thệ được người dân trong vùng lấy làm kim chỉ nam trong cuộc sống, vì vậy địa phương cũng là nơi ít xảy ra trọng án hoặc các vụ phạm pháp hình sự. Người dân luôn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật”.
Phát 150.000 túi lương tại đền Trần Thương
Song song với lễ phát ấn ở đền Trần (Nam Định), lễ phát lương ở đền Trần Thương (xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) cũng diễn ra vào lúc 0 giờ ngày rằm tháng giêng tại tỉnh Hà Nam. Năm nay, Ban Tổ chức lễ chuẩn bị 150.000 túi lương, mỗi túi có 5 loại hạt là đậu đỏ, đậu xanh, đậu nành, ngô đỏ, thóc nếp cái hoa vàng. Để tránh tình trạng xô đẩy, chen lấn, ban tổ chức đã huy động gần 100 người tham gia phát lương cho du khách tại 30 điểm khác nhau; lắp đặt 5 màn hình lớn trong sân đền, khu vực sân tâm linh và trước cổng đền để người dân được xem những hình ảnh trực tiếp phần lễ. Đây là lễ hội tưởng nhớ công lao to lớn của vị Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo.
Th.Tuấn
Bình luận (0)