Ngày 20-1, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, cho biết hiện đơn vị này đã giao cho Ban Quản trị Lăng Miếu Núi Sam làm chủ đầu tư dự án “Xây dựng sân đua bò dân gian phục vụ phát triển du lịch của TP Châu Đốc”. Công trình này có quy mô khoảng 10 ha đất tại khu vực tiếp giáp với Trung tâm Thể dục- Thể thao thuộc phường Châu Phú B, TP Châu Đốc.
Du khách sẽ thường xuyên được xem những khoảnh khắc dậy bùn như thế này tại sân đua bò mới của TP Châu Đốc vào dịp cuối tuần
Theo thiết kế, sân đua bò này có tổng diện tích khoảng 10 ha, trong đó sân thi đấu chính với 2 đường đua là 7,2 ha và phần còn lại để đầu tư các hạ tầng kèm theo. Trong năm 2017, các đơn vị liên quan sẽ đầu tư phần sân bãi phục vụ thi đấu biểu diễn và tổ chức lễ hội như sân thi đấu chính, bãi tập kết bò và phần sân lễ từ nguồn kinh phí của Ban Quản trị Lăng Miếu Núi Sam với khoảng 3 tỉ đồng. Từ năm 2018-2019, TP Châu Đốc tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư giai đoạn 2 (khoảng 4 tỉ đồng) để xây dựng hàng rào, khán đài cùng với khu vui chơi giải trí khác như các gian hàng ẩm thực, trưng bày sản phẩm, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ lễ hội, hội chợ hay biểu diễn xiếc nghệ thuật.
“Chúng tôi cố gắng hoàn thành xây dựng sân đua bò trong năm 2017 để phục vụ cho khách du lịch. Bên cạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa thì thành phố sẽ tận dụng tối đa phần tiền thu được từ bán vé (dự kiến là 10.000 đồng/vé) để xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực xung quanh sân đấu với nhiều dịch vụ khác”- ông Tuấn khẳng định.
Cũng theo ông Tuấn, vào 4 tháng cao điểm lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam (từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch), ban tổ chức sẽ cho các đội tham gia thi đấu 1 lần/tuần vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật. Những tháng còn lại trong năm sẽ tổ chức thi đấu 1 lần/tháng theo nhu cầu của du khách do các công ty lữ hành đăng ký vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật. Đặc biệt, vào dịp Tết Sen Đon Ta của người Khmer (tháng 8 âm lịch), Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang chỉ đứng ra tổ chức cuộc đua bò Bảy Núi theo hình thức truyền thống với sự hỗ trợ của 2 huyện miền núi là Tri Tôn và Tịnh Biên.
“Do đây là sản phẩm du lịch mới ở địa phương nên chúng tôi sẽ mời lãnh đạo tỉnh An Giang, các Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch ở khu vực ĐBSCL, TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng cùng các công ty lữ hành tham dự trong buổi tổ chức đua bò đầu tiên được dự kiến là ngày 30-4 hoặc 2-9 tới. Mục tiêu quan trọng của dự án là phát triển loại hình du lịch gắn với thể thao truyền thống nhằm thu hút, giữ chân khách du lịch ở lại Châu Đốc được lâu hơn và tạo thêm thu nhập cho các hộ dân trong khu vực. Qua đó, tạo sinh khí vui tươi, thắm tình đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa 4 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh An Giang là Kinh, Hoa, Chăm và Khmer. Qua các hoạt động đó, chúng tôi cũng kỳ vọng mỗi năm Châu Đốc sẽ thu hút thêm hơn một triệu lượt (năm 2015 với 4,2 triệu lượt) khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nếu thành công với dự án này thì đến năm 2020, Châu Đốc sẽ đạt được khoảng 6,5 triệu lượt khách và tiếp tục là địa phương dẫn đầu về du lịch tâm linh ở khu vực ĐBSCL”- ông Tuấn chia sẻ.
Bình luận (0)