xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chạy hạn trong chảo lửa

Bài và ảnh: LÊ TRƯỜNG

Đã hơn 300 ngày qua, nắng vẫn như trút lửa xuống các vùng đất vốn khô cằn ở Ninh Thuận. Những phận người khốn khó trên tiểu vùng sa mạc này cũng quắt queo theo đàn gia súc

Hôm nay triền sông, ngày mai góc suối; khi cắm trại trên những chân ruộng vừa gặt, lúc phải di chuyển đàn dê, cừu, bò hàng chục cây số để tìm kiếm thức ăn, nước uống... Thực trạng chạy đồng giữa mùa hạn hán khốc liệt của dân du mục Ninh Thuận là vậy.

Nước, cỏ quý như vàng

Thông thường, từ giữa tháng 5, người ta đã nghe tiếng sấm âm âm trong lòng đất, báo hiệu những trận mưa giông đầu mùa ở Ninh Thuận nhưng năm nay thì không. Đã hơn 300 ngày qua, nắng vẫn như trút lửa, phủ trùm không sót khu vực nào của vùng đất này. Người khát, cây khô, gia súc suy kiệt vì thiếu nước uống, không cỏ ăn.

Mới giữa buổi sáng mà nắng nóng đã lên đến gần 38 độ C. Từ trung tâm xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, chúng tôi theo chân ông Đạo Văn Hát về Chà Vum, vùng đất bán sơn địa giáp ranh huyện Bác Ái của Ninh Thuận. Thung lũng Chà Vum là nơi có đàn gia súc chạy hạn lớn nhất Ninh Thuận, lên đến hàng ngàn con.

Ông Hát, một người Chăm ở huyện Ninh Phước, vốn chăn thuê gần 200 con cừu của người bà con trên vùng núi Chà Bang, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Tháng trước, khi hạn hán lên đến đỉnh điểm, đàn cừu có dấu hiệu suy kiệt vì thiếu nước uống, thức ăn, ông Hát và 2 con trai phải lùa chúng chạy về Chà Vum.

 

img

 

Hàng đàn cừu, bò... vất vả chạy hạn từ vùng cao về xuôi
Hàng đàn cừu, bò... vất vả chạy hạn từ vùng cao về xuôi

 

“Cứ cách nhật, tui phải xuống dưới xuôi đặt mua khoảng 4 m3 nước, giá gần 200.000 đồng về cho cừu uống, vừa để 3 cha con sinh hoạt. Chật vật lắm…” - người đàn ông đã sống quá nửa đời người này bộc bạch.

Nói đến chuyện thức ăn cho cừu, ông Hát phóng tầm mắt ra thung lũng rộng, trải dài đến sát chân núi, thở dài: “Tháng trước còn có chút ít cỏ úa, giờ cháy sạch rồi, may ra chỉ còn gai dại, xương rồng thôi. Từ hôm lùa bầy cừu lên đây, sáng sáng, 2 thằng con tui phải chạy xe máy gần 20 cây số qua xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn -  giáp ranh với huyện Bác Ái kiếm vài bao cỏ tươi mang về để dành bồi dưỡng mấy con bệnh và có chửa. Những con còn lại thì kiếm được gì ăn nấy, chiều về chuồng ăn thêm rơm rạ nhưng cũng cầm chừng thôi vì mua đắt lắm”.

Thung lũng Chà Vum rộng hơn 400 ha hiện có gần 20 bầy dê, cừu ngót nghét 3.000 con đến “tị nạn”, hầu hết từ 2 huyện miền núi Bác Ái, Ninh Sơn xuống và huyện Ninh Phước qua. Những lều bạt dã chiến của dân du mục mùa hạn được cất tạm bợ bằng tấm ni-lông hoặc tôn kẽm, bên cạnh chuồng gia súc tuềnh toàng. Vài thùng đựng nước, vài bao cỏ tươi hiếm hoi được xếp cẩn thận nơi góc lều như những vật quý, nhìn từ xa dưới ánh nắng chói chang trông vẫn quắt queo.

Vợ chồng ông Nguyễn Tấn Hùng - Phan Thị Bé kể trong vòng 4 tháng qua đã 3 lần đưa đàn cừu 60 con chạy hạn, từ Ninh Sơn qua Ninh Phước rồi xuống Chà Vum. “Nước, cỏ giờ quý như vàng. Nếu tình trạng khô khốc này kéo dài, vợ chồng tui phải lùa đàn gia súc chạy tiếp ra miệt Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Khi nào có mưa thì lùa bầy về” - ông Hùng tính toán.

Khó mà trụ nổi

Rời Chà Vum, chúng tôi ngược đường về khu Láng Ngựa, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Trong túp lều nhỏ của dân chạy đồng cất vội bên dòng kênh Nam, ông Nguyễn Thanh Áng tặc lưỡi: “Mấy chục năm mới thấy nắng hạn khủng khiếp thế này. Bầy bò gần 30 con của gia đình tui vốn thả trên vùng núi ở xã Phước Hà, không chịu được khô khốc, đói khát đã phải dời về đây từ cuối tháng 3”.

Tuần lễ đầu, bầy bò của ông Áng còn có thứ để ăn nhưng rồi dân du mục chạy hạn ùn ùn đổ về nên cỏ khô, cây héo cũng dần dần cạn sạch. Để đàn gia súc cầm cự với nắng nóng, ông Áng phải mua rơm rạ dự trữ. Từ sáng sớm, ông và con trai 19 tuổi đã lùa bầy bò ra khỏi chuồng, đi lòng vòng cả ngày để kiếm thức ăn dưới trời nắng nóng như thiêu đốt. Chiều về, 2 cha con phân phát từng túm rơm nhỏ cho chúng ăn lây lất qua ngày. “Chừng một vài tháng nữa mà không mưa, dân chạy đồng tụi tui chết chắc. Lấy gì cho dê, bò ăn đây? Khi ấy, sợ nước mương cũng cạn nữa” - ông Áng lo lắng.

Ông Thành Phê - từ huyện miền núi Ninh Sơn đưa 9 con bò và trên 50 con dê, cừu chạy hạn về khu Láng Ngựa - than thở: “Tôi phải bán 3 con bò hơn 20 triệu đồng để lấy tiền chăm sóc cả bầy, vậy mà chẳng xong”. Ông Phê kể 10 ngày trước, ông đặt mua 4 xe rơ-moóc rơm với giá gần 3 triệu đồng dự trữ để bầy gia súc “có cái mà nhai” nhưng hiện vẫn chưa có. Nhìn đàn bò, dê, cừu gầy trơ xương, con nào cũng lừ đừ, ông rầu rĩ: “Mấy ngày trước, 1 con dê, 1 con cừu đói quá nằm bẹp, tui đành phải xẻ thịt phơi khô, coi như mất đứt 4 triệu đồng. Tình trạng hạn hán cứ kéo dài thế này, tụi tui khó mà trụ nổi”.

Dọc dài theo các dòng kênh Tây (Ninh Sơn), kênh Nam (Ninh Phước), kênh Bắc (Ninh Hải)..., những ngày này có rất đông dân du mục đưa đàn gia súc chạy hạn. Mỗi sáng sớm hay xế chiều, từng đàn dê, bò, cừu lủ khủ men theo các tỉnh lộ, quốc lộ tìm đến các dòng kênh thủy lợi, sông nhánh còn chút ít nước để trú ngụ, chống chọi qua ngày.

Trên chân ruộng đã bỏ hoang từ nhiều tháng qua do hạn ở thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, chúng tôi gặp ông Trương Thành Song đang hì hục cuốc tìm những gốc cỏ úa còn sót lại về cho dê, cừu ăn. Lão nông đã 65 tuổi này cho biết ruộng lúa cày ải, hơn 7 tháng chờ mưa, nay đã biến thành đồng cỏ cháy. 12 con dê nái, 22 con cừu thịt của ông phải đưa từ vùng núi Chà Bang về Văn Lâm để cứu đói, cứu khát.

“Tui vừa bỏ ra gần 50 triệu đồng để khoan giếng, thuê 1 sào đất trồng cỏ nhưng cũng chỉ tạm thời thôi. Mạch nước ngầm giờ cũng cạn kiệt rồi, không đủ tưới cỏ, huống hồ còn phải cho gia súc uống nữa…” - ông Song lo lắng.

Những người có đất trồng cỏ như ông Song là may mắn, còn số chủ chăn nuôi trên các vùng gò đồi phải sử dụng cả cây xương rồng làm thức ăn chống đói cho đàn dê, cừu. Họ lấy chà bổi đốt xương rồng cho cháy trụi gai. Mỗi khi xương rồng cháy gục cành là đàn dê, cừu liền xông vào gặm đến trụi gốc.

Không chỉ lo thiếu thức ăn, nước uống, điều khiến dân chạy đồng sợ nhất hiện nay là bệnh tật đến chết của đàn gia súc. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, từ đỉnh hạn vào đầu năm 2015 đến nay, hơn 350 con dê, bò, cừu đã chết do suy kiệt. Nhiều chủ nuôi khi dê, cừu đẻ đã phải cho tách con nuôi riêng bằng cỏ tươi, sữa công nghiệp, tránh mất sức con mẹ.

“Tuần trước, tui đã bán 10 con dê trong tổng bầy 80 con của gia đình để lo cái ăn cho số còn lại. Nếu tiếc rẻ, không lo được cho chúng thì trước sau gì cũng chết hàng loạt, lúc đó thiệt hại còn nặng hơn” - chị Từ Thị Phúc (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) cho biết.

 

“Đặc sản” rơm rạ giá cao ngất ngưởng

Để có thức ăn cho đàn gia súc, các chủ nuôi, chủ chạy đồng phải lùng sục đặt mua rơm rạ dự trữ. Loại phế phẩm vốn rẻ như bèo, nay tăng giá ngất ngưởng. Một xe rơ-moóc rơm được bán với giá 600.000 -700.000 đồng (tăng xấp xỉ 4 lần so với bình thường). Một số chủ nuôi có hơn  trăm con bò, cừu trở lên phải tìm mua 3-4 sào ruộng vừa gặt xong để dời đàn đến, dựng lều trại chăn dắt, để chúng có thức ăn trong vòng vài tuần, sau đó tiếp tục chạy hạn sang nơi khác.

 

Rơm rạ giờ là “đặc sản” cho đàn gia súc ở Ninh Thuận
Rơm rạ giờ là “đặc sản” cho đàn gia súc ở Ninh Thuận

 

Thiếu dinh dưỡng, không đủ nước uống, nhiều gia súc trở bệnh, chủ nuôi chạy đôn chạy đáo tìm mua cây bắp đã thu hoạch trái về bồi dưỡng, trợ sức. Bình thường, 1 tạ cây bắp giá chỉ khoảng 100.000-120.000 đồng nhưng khoảng gần nửa năm nay đã tăng vọt lên hơn 500.000 đồng mà cũng phải lùng sục mới có. Một số nông dân tranh thủ có nguồn nước đã chủ động trồng bắp nhưng chỉ để... bán cây, 35-40 ngày/vụ cho cánh chăn nuôi.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo