Vụ cháy xảy ra lúc khoảng 13 giờ 45 phút. Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm từ lầu 2 lên đến lầu 5 của tòa nhà Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC). 30 phút sau, gần như toàn bộ lãnh đạo TPHCM đã có mặt tại hiện trường vụ cháy chỉ cách trụ sở UBND TP khoảng hơn 100 mét.
Nỗ lực tối đa
Theo trung tá Lê Tấn Bửu, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC, Công an TPHCM, người trực tiếp chỉ huy lực lượng chữa cháy: Gần 50 xe của tất cả lực lượng PCCC TP đã có mặt, kể cả đơn vị chữa cháy trên sông, bên cạnh đó, còn có lực lượng PCCC của Quân khu 7, lực lượng kiểm soát quân sự của Bộ Chỉ huy Quân sự TP và 2 xe chữa cháy đặc chủng của hàng không sân bay Tân Sơn Nhất cũng được điều động chi viện. Nếu so với vụ cháy tòa nhà Imexco cách đây hơn 10 năm thì lực lượng được huy động hùng hậu nhất với những phương tiện được xem là hiện đại nhất của lực lượng PCCC hiện nay.
Gần 100 y bác sĩ, điều dưỡng, hội viên Hội Chữ thập đỏ TP cùng gần 20 xe cứu thương của các bệnh viện túc trực chờ đợi lực lượng chữa cháy dập tắt đám cháy để vào cứu người. Ngoài ra hàng trăm dân phòng, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, 113, Công an quận 1 tham gia giữ gìn trật tự. Lực lượng văn phòng UBND quận 1 cũng được huy động tối đa để phục vụ nước uống và thức ăn nhẹ cho các lực lượng làm việc tại hiện trường.
Ngọn lửa được dập tắt sau 6 giờ...
Tòa nhà ITC cao 6 tầng chìm trong biển lửa và khói, đặc biệt là từ lầu 2 trở lên. Được biết, tòa nhà này xây dựng trước năm 1975, sau này cải tạo lại ngoài lắp đặt hệ thống cửa kính gần như bao kín xung quanh nhà, bên ngoài còn được trang trí bằng những ô gió bằng bê tông có hình vảy cá. Vì vậy, nước từ vòi rồng cứu hỏa không thể vào được bên trong. Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù nước phun xối xả nhưng ngọn lửa bên trong vẫn cháy ngùn ngụt. Phải gần 6 giờ sau ngọn lửa mới được khống chế nhờ lực lượng quân đội bắc thang dây leo từ tòa nhà kế bên, dùng búa phá tường, đưa vòi phun nước xịt vào bên trong.
Những giờ phút kinh hoàng trên đầu ngọn lửa
Anh Thẩm Thanh Bình, 27 tuổi, là nhân viên thuộc Công ty Unisoft (công nghệ thông tin) có trụ sở tại lầu 3 ở ITC lên ăn trưa tại lầu 6. Khi thấy khói bốc lên từ phía tầng dưới, cùng tín hiệu báo cháy, anh chạy ngay xuống tầng 5 để tìm đường thoát thân. Nhưng khói và lửa phát ra rất dữ dội từ các mảng lát tường bằng thạch cao buộc anh phải quay lên tầng trên. Trở ngược lên lầu 6, anh đập vỡ cửa kính một căn phòng để vào tránh khói nhưng chỉ ít lâu sau, không chịu nổi do việc thiếu không khí, anh Bình lần nhanh ra lan can lầu 6, chỉ kịp nhìn thấy tấm tôn ở lầu 1, anh nhảy ngay ra ngoài và ngất đi. Trao đổi với chúng tôi khi vừa tỉnh lại, anh cho biết, tại tầng 5 và 6 có hệ thống báo cháy nhưng hệ thống phun nước tự động hoạt động quá yếu, và không thể tìm thấy một bình chữa cháy cầm tay nào.
Chị Ngô Thị Kim Hoa (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), 42 tuổi, theo học lớp bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm AIA, cho biết khi đang học tại lầu 5 bỗng nhiên bị cúp điện. Vài phút sau khói bắt đầu tràn vào phòng, cả lớp trên 100 học viên trở nên hoảng loạn, tìm mọi cách tháo chạy ra ngoài để theo cầu thang máy đi xuống nhưng 2 thang máy đều ngưng hoạt động do cúp điện (một trong 2 thang máy đã hư từ trước khi xảy ra vụ cháy). Mọi người buộc chạy ra cầu thang bộ để xuống tầng dưới, nhưng khói và lửa cháy ngùn ngụt khiến mọi người ùa ngược lên trên. Khói lúc này bắt đầu dày đặc, không thể thở nổi, nhiều người bắt đầu gục xuống...
Chị Phạm Thị Tuyết Phượng, 42 tuổi, lớp trưởng lớp học bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm AIA, cho biết khi đang trong lớp thì nghe tiếng báo cháy từ tầng dưới và khói bắt đầu lan dần vào phòng học. Cả lớp học hoảng loạn, một số học viên đã ngất ngay tại chỗ không kịp chạy lên tầng trên. Chị cố gắng chen lấn cùng dòng người đổ xô từ phía dưới để thoát lên tầng trên cùng của khu nhà.
Chị kể lại: “Trong giờ phút ấy, tôi chỉ còn biết nghĩ đến con mà liều mình nhảy xuống. Sau khi nhắm mắt nhảy xuống tôi đã bất tỉnh, tỉnh dậy tôi bò xuống những khu nhà bên để thoát thân.
Tường thuật từ các bệnh viện
16 giờ 20 phút: Xe Bệnh viện (BV) Vạn Hạnh chuyển về bệnh nạn nhân nam đầu tiên. Anh đang trong cơn hoảng loạn tột độ, toàn bộ người bỏng rộp từng mảng tứa máu, tay chân bị cháy sém nhiều chỗ. Các bác sĩ phải an ủi rất nhiều anh mới bình tĩnh lại để khai báo tên là Nguyễn Khải Định, 25 tuổi, ở P.8, Q.3, nhân viên lo âm thanh của vũ trường ở lầu 3. Lúc cháy, quá hoảng nên anh chạy lên tầng thượng và nhảy xuống. Rơi trúng một mái tôn nóng như một lò rang, nhờ có thang của lực lượng cứu hộ bắc lên mới tụt xuống được.
16 giờ 30 phút: Xe cấp cứu BV Đa khoa Sài Gòn chở về một bệnh nhân nam còn khá tỉnh nhưng cháy sém nhiều nơi ở đầu và mặt. Anh khai tên là Nguyễn Hưng, 29 tuổi, thủ kho nhà hàng InterShop. Anh kể đã chạy băng qua ngọn lửa để thoát ra ngoài, nhưng khi đến cửa thì hoàn toàn kiệt sức.
Tại hiện trường ITC đã túc trực sẵn 100 y, bác sĩ và 20 xe cấp cứu y tế. Phóng viên từ Trung tâm Cấp cứu Trưng Vương điện về cho biết đơn vị cấp cứu ngoại viên của Trung tâm Cấp cứu này đã tiếp nhận nạn nhân ngay tại hiện trường và chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trưởng Công an quận 1 cho phóng viên biết: Nhiệt độ bên trong tòa nhà ITC lên đến 5000C, lực lượng PCCC phải tập trung làm mát để các đội cấp cứu tiến vào làm nhiệm vụ.
16 giờ 35 phút: Tại BV Chấn thương – Chỉnh hình, một bàn nhận bệnh đã được đặt ngay ở cửa ra vào bệnh viện, gần phòng cấp cứu. Bác sĩ Võ Quốc Trung, Khoa Cấp cứu bệnh viện, cho biết: “Vào lúc 15 giờ 15 phút, chúng tôi đã tiếp nhận ca đầu tiên từ vụ cháy. Đa số bệnh nhân bị gãy cột sống, gãy xương chậu, tay, chân... do nhảy từ các tầng lầu tòa nhà xuống”.
17 giờ 15 phút: Bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Ái – Trưởng Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, cho biết: “Lúc 15 giờ, chúng tôi đã nhận được 3 ca phỏng nhẹ từ BV Sài Gòn chuyển sang. Hiện khoa cấp cứu đã chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Toàn bộ 3 ca trực đều được giữ ở lại bệnh viện”.
17 giờ 45 phút: Tại BV Chấn thương – Chỉnh hình đã có 7 nạn nhân cấp cứu do nhảy từ lầu 5 và lầu 6 của tòa nhà, nâng con số được cấp cứu tại đây lên 20 người.
18 giờ 30 phút: Số nạn nhân được đưa đến Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình cấp cứu là 21 người.
19 giờ 50 phút: BV Đa khoa Sài Gòn nhận cấp cứu ban đầu 65 nạn nhân, sau đó phân loại chuyển đến các BV khác theo đúng chuyên khoa. Đến với Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn trong những giờ phút cực kỳ căng thẳng, các đồng chí lãnh đạo Sở Y tế TP, gồm bà Trương Xuân Liễu – nguyên giám đốc, ông Nguyễn Thế Dũng – quyền giám đốc và ông Lê Trường Giang – phó giám đốc đã trực tiếp chỉ đạo công tác cấp cứu.
22 giờ 25 phút: Phóng viên điện về thông báo đang có mặt trên xe cấp cứu đưa 4 thi hài về Quân Y viện 175 – nơi được coi là có hệ thống ướp xác khá tốt tại TPHCM.
Bình luận (0)