Các bộ, ngành đang được yêu cầu rà soát, loại bỏ các ĐKKD không cần thiết, riêng các ĐKKD còn lại quy định trong các thông tư thì đưa vào các nghị định từ ngày 1-7 cho phù hợp với Luật Đầu tư năm 2014.
Theo Luật Đầu tư 2014, danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chỉ có 267 ngành nghề. Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 267 ngành quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế. Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Nếu đến ngày 1-7, các điều kiện đầu tư kinh doanh quy định ở cấp thông tư không được đưa lên thành nghị định đương nhiên sẽ bị bãi bỏ vì “trái luật”. Chính vì thế, các bộ, ngành đang tích cực thúc đẩy việc nâng các điều kiện đầu tư, kinh doanh từ thông tư lên nghị định.
Hiện các bộ, ngành đang ráo riết hoàn thành 49 nghị định, trong đó có nhiều quy định ở cấp thông tư được nâng lên. Có nghĩa là một nghị định sẽ bao hàm nội dung của hàng loạt thông tư trước đây.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ dự thảo một nghị định nhưng tích hợp 35 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong 39 thông tư. Bộ Y tế dự thảo 12 nghị định nhưng thực chất là “nâng cấp” 70 thông tư. Bộ Công Thương nâng cấp 23 thông tư thành 1 nghị định...Việc hợp thức các ĐKKD quy định tại thông tư của các bộ, ngành đã tạo ra những “siêu” nghị định.
Nhiều ý kiến lo ngại đang có cuộc chạy đua nâng cấp thông tư thành nghị định. Điều đó có khả năng các ĐKKD chẳng những không giảm đi mà còn có cơ hội biến tướng ở văn bản cấp cao hơn. Doanh nghiệp sẽ ngày càng bị siết chặt trong một rừng ĐKKD vô lý.
Đợt rà soát, cắt giảm các ĐKKD lần này là cơ hội chưa từng có để tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sao cho thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn đối với người dân và doanh nghiệp. Thế nhưng, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên thực tế có không ít dự thảo nghị định chưa được soạn thảo phù hợp với mục tiêu và yêu cầu nêu trên mà chỉ đơn giản là sự tập hợp, nâng cấp một cách cơ học ĐKKD đã được quy định tại thông tư.
Một khi các ĐKKD trong thông tư được nâng cấp “cơ học” lên trong nghị định thì có nguy cơ không cải thiện được môi trường kinh doanh nhiều và sau này, việc bổ sung, sửa đổi chúng cũng sẽ khó khăn và tốn kém hơn.
Do thời hạn gấp nên nhiều nghị định xây dựng theo kiểu chạy marathon mà không đăng dự thảo trên mạng, không gửi lấy ý kiến doanh nghiệp, không tổ chức hội thảo, không đánh giá tác động, không tổng kết thi hành, không kiểm soát thủ tục hành chính, không bản thuyết minh, không bản giải trình, tiếp thu ý kiến.
Đây là kẽ hở để hơn 3.500 giấy phép con trái luật biến tướng chui vào nghị định - một văn bản có tính pháp lý cao hơn - sẽ là miếng mồi béo bở cho tệ xin - cho.
Bình luận (0)