Trong rất nhiều loại cổ vật thì cổ vật Óc Eo được săn lùng ráo riết nhất vì có giá trị nghệ thuật lẫn vật chất cao.
Lật tung đồng ruộng, kênh rạch
Cổ vật Óc Eo đã được biết đến từ rất lâu. Vào thế kỷ XIX, người dân vùng Đồng Tháp Mười thường nhặt được các vật lạ sau mỗi mùa nước nổi, có loại bằng vàng, bạc. Song, họ chỉ nghĩ đơn giản đó là của... trời cho. Khi thực dân Pháp kiểm soát Nam Bộ, việc nhặt được vật lạ bằng vàng, bạc ở Đồng Tháp Mười vẫn được ghi nhận nhưng các nhà khảo cổ chưa quan tâm.
Đến khoảng những năm 30 của thế kỷ trước, khi báo chí thông tin về việc người dân vùng Óc Eo - Ba Thê, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn - An Giang nhặt được rất nhiều vàng, lập tức hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về đây đào xới, săn tìm. Vùng Óc Eo - Ba Thê trở nên lộn xộn, bát nháo.
Khi chính quyền địa phương dẹp được nạn đào vàng ở đây thì nhà khảo cổ học Louis Malleret, nguyên giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ, mới có điều kiện tiến hành cuộc khai quật đầu tiên ở Óc Eo vào năm 1944. Từ đó, nền văn hóa Óc Eo mới được công nhận và biết đến.
Du khách tham quan Khu Di tích Óc Eo - Gò Cây Thị - Ba Thê ở An Giang
Trên thực tế, tình trạng đào bới, săn tìm cổ vật Óc Eo chưa bao giờ chấm dứt. Ông M., một người dân sống gần Khu Di tích Gò Cây Thị ở thị trấn Óc Eo, cho biết trước đây, một số người chăn bò đã nhặt được nhiều lá vàng trồi lên mặt đất sau một cơn mưa. Ngay sau đó, nhiều người đổ xô về Gò Cây Thị bới tung gò cát để tìm vàng.
“Vụ đó vừa lắng xuống chẳng bao lâu thì lại rộ lên tin đồn ở lung (một loại kênh rạch nhỏ - PV) Giồng Cát thuộc cánh đồng Óc Eo, người ta phát hiện một “mỏ” vàng lớn. Có người còn quả quyết đã thấy nguyên cái đai lưng bằng vàng. Thế là, cả con lung dài bị hàng ngàn người chia cắt thành từng đoạn nhỏ tát nước để mò tìm vàng” - ông M. kể.
Người dân Thoại Sơn cho biết cánh đồng Óc Eo sau mỗi mùa lúa vừa thu hoạch xong liền bị lật tung để tìm cổ vật. “Ngoài chủ đất tự săn lùng hoặc thuê mướn người tìm cổ vật, cũng có nhiều người lạ đến đây đào xới, bất chấp đất của ai. Như khu đất của tôi đây, thu hoạch xong phải ở lại giữ đến khi xuống giống chứ không dám bỏ về. Lơ là là bị lật tung hết, tới khi sạ lại phải làm đất, tốn công lắm” - ông M. nói.
Cơn sốt chuỗi cổ
Khi vàng không còn, những tưởng nạn đào bới ở Óc Eo đã được yên, nào ngờ nhiều người lại quay sang săn tìm các loại cổ vật như tượng Phật, đồ gốm và nhất là chuỗi cổ.
Ngay tại Óc Eo, có cả một đường dây từ tổ chức đội ngũ nhân công đào, đãi đến thu mua chuỗi cổ. “Nhiều người đổ xô đi săn tìm chuỗi cổ. Gò cát lại liên tục bị đào bới để tìm loại cổ vật này. Cứ trời mưa là có người đến đây săn tìm cổ vật, thời gian gần đây tuy không rầm rộ như trước nhưng vẫn rất bát nháo” – một người dân ở thị trấn Ba Thê cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một xâu chuỗi cổ Óc Eo (dài khoảng 3 tấc) có giá chợ trời từ 30 chỉ vàng 24 K trở lên. Các “đại gia” ở An Giang và nhiều nơi khác rất mê sưu tầm loại chuỗi này. Ngoài ra, họ còn có cả những bộ sưu tập nồi, ơ, cà ràng, bình gốm... Óc Eo và sẵn sàng bán nếu được giá cao.
Chuỗi đeo cổ Óc Eo, loại cổ vật được săn lùng ráo riết nhất, có giá chợ trời trên 3 lượng vàng/sợi
TS khảo cổ học Phạm Hữu Công cho biết tại Nam Bộ hiện có rất nhiều người chuyên sưu tầm và mua bán cổ vật Óc Eo. Họ dựa trên danh nghĩa một “hội cổ vật” nào đó hoặc đóng vai trò nhà sưu tập tư nhân hay mua qua những kênh săn tìm lén lút rồi bán ra thị trường và các bảo tàng Nhà nước. “Vấn đề này cho thấy việc phá hủy di tích, di vật nền văn hóa Óc Eo là chuyện tất nhiên khi việc quản lý di sản còn bỏ ngỏ” - TS Công nhấn mạnh.
Theo TS Công, cổ vật Óc Eo trôi nổi còn rất nhiều vì các bảo tàng chỉ khai quật từng đợt, mỗi đợt cách nhau vài năm trong khi các nhóm săn lùng đồ cổ hoạt động quanh năm, suốt tháng.
Từ khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, các nhóm người này còn trang bị cả máy rà kim loại trên đất liền, có nhóm chuyên cào tìm cổ vật dưới sông. Đặc biệt, trong khu vực Óc Eo - Ba Thê, người dân biết rõ sự phân bố của cổ vật rất rộng nên thường tiến hành đào bâng quơ trên đất nhà mình. Đến nay, rất hiếm có vụ xâm phạm di sản văn hóa Óc Eo nào bị xử lý.
Khó sưu tập cổ vật trôi nổi
Cũng theo TS Công, trong năm 2009, các bảo tàng ở Nam Bộ nhận được 3 lời chào mời bán các đồng tiền bằng bạc thuộc cổ vật Óc Eo với số lượng lên đến vài ký.
Còn tại Đồng Tháp, khi bảo tàng tỉnh này đang tiến hành khai quật khảo cổ ở Gò Tháp, huyện Tháp Mười, người dân quanh đó đã đào được nhiều ký tiền Óc Eo có hình mặt trời và mang đi các nơi rao bán. “Với cổ vật bằng bạc, khi không được bảo tàng hay nhà sưu tập tư nhân nào mua, người dân sẽ cân ký bán cho các tiệm vàng. Tiệm vàng mua thì khả năng phá hủy cổ vật là rất lớn” - nhiều nhà khảo cổ lo lắng.
Do kinh phí có hạn, kèm theo những bất cập khác về chủ trương, nhân sự, trình độ chuyên môn... nên các bảo tàng không thể sưu tập hết các hiện vật Óc Eo trôi nổi.
Trong những năm qua, hoạt động chủ yếu của các bảo tàng là kết hợp với các cơ quan chuyên ngành tổ chức khai quật khảo cổ những di tích Óc Eo và tìm cách mua một số hiện vật mà họ nắm được nguồn tin. Dù vậy, hiện vật đưa về bảo tàng không nhiều, trong đó loại nguyên vẹn chiếm tỉ lệ rất thấp.
Hiện nay, các cổ vật Óc Eo còn bị làm giả hết sức tinh vi như các loại tượng Phật bằng gỗ, tượng đá, tượng đồng Bà La Môn, đồ gốm... Các loại đồ giả này xuất xứ ngay trong nước và từ Campuchia, Thái Lan tràn qua.
Trong khi đó, theo PGS-TS khảo cổ học Phạm Đức Mạnh, quần thể di tích văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo ở núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang được phát hiện từ năm 1944 nhưng một số cổ vật đã bị biến cải đưa về miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam.
Các di chỉ Óc Eo được tìm thấy với 12 địa điểm ở đỉnh, ven sườn và chân núi cùng nhiều vết tích kiến trúc gạch đá, tượng thần và vật thờ, minh văn, gốm sứ... Trong đó, quan trọng nhất là tượng thần Shiva bằng đá Basalte đen bị biến cải thành Bà Chúa Xứ Núi Sam thờ cúng đến nay. “Tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam thuộc về văn hóa Óc Eo chứ không phải là công chúa Ngọc Hân như nhiều người lầm nghĩ” - PGS-TS Mạnh khẳng định.
Lượng cổ vật cực kỳ phong phú Trong một chuyến du lịch ở An Giang, nhà khảo cổ học người Pháp L. Malleret phát hiện một số loại cổ vật được người dân đem ra chợ bán. Ông đã dò hỏi và biết được nơi tìm thấy những cổ vật đó tại Gò Óc Eo, trên một cánh đồng gần chân núi Ba Thê.
|
Bình luận (0)