Quả là bất thường bởi phi công, dù là phi công lái máy bay thương mại, song cũng được tuyển chọn hết sức kỹ lưỡng về sức khỏe, đồng thời luôn được rèn luyện, chăm sóc sức khỏe chu đáo. Song “con virus” sức khỏe bất ngờ “quật ngã” hàng trăm lượt phi công VNA cũng ngay lập tức được người đứng đầu của hãng “bắt bệnh”: Phi công cáo ốm để lãn công tập thể!
Hơn 100 lượt phi công lãn công trong vài ngày, nhất là phi công của hãng hàng không quốc gia như VNA - vốn đảm nhiệm trọng trách “xương sống” ngành hàng không của đất nước- đúng là nghiêm trọng bởi có thể gây ảnh hưởng rất lớn không chỉ việc đi lại của hành khách mà còn nhiều vấn đề liên quan khác.
Không khó để “giải mã” hiện tượng bất thường và nghiêm trọng này, tất cả đều bắt nguồn từ vấn đề lương bổng. Nếu như trước đây, khi chưa có nhiều hãng hàng không và nhất là nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân chưa cao thì được làm phi công VNA là mơ ước. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của nhu cầu đi lại bằng hàng không và sự ra đời của các hãng hàng không mới, nguồn nhân lực phi công trong nước thiếu nghiêm trọng.
Đào tạo không theo kịp nhu cầu nên VNA và các hãng hàng không khác trong nước đều phải thuê thêm phi công nước ngoài cho dù đắt hơn phi công trong nước rất nhiều. Theo VNA, lương trung bình phi công trong nước của hãng năm 2014 là hơn 74 triệu đồng/người/tháng trong khi lương của phi công nước ngoài vào khoảng 10.000 USD/người/tháng, tức là gấp khoảng 3 lần. Chính vì thế, các hãng hàng không đã chiêu mộ phi công người Việt của VNA với mức lương dĩ nhiên hấp dẫn hơn mức mà họ đang nhận. Và dù phải trả lương cho phi công trong nước cao hơn VNA song các hãng hàng không khác vẫn còn lời chán. Lực hút ra khỏi hãng hay còn gọi là “chảy máu” phi công với VNA càng dữ dội hơn khi có hãng hàng không lên kế hoạch phát triển đội máy bay tới cả trăm chiếc so với khoảng 20 chiếc hiện nay.
Trong cơ chế thị trường và dưới sự bảo hộ của Luật Lao động, VNA cũng như cơ quan quản lý nhà nước khó có thể cưỡng lại nạn “chảy máu” phi công và nhân viên kỹ thuật cao nếu tiếp tục duy trì cơ chế lương bổng như hiện tại. Phi công hay bất kỳ người lao động trong lĩnh vực nào đều có nhu cầu và đòi hỏi chính đáng được trả lương tương xứng với mặt bằng thu nhập trong lĩnh vực họ làm việc.
Bình luận (0)