Có thể trước đây trường đúng là không đạt điều kiện quy định về số lượng tối thiểu tiến sĩ, thạc sĩ cơ hữu để mở ngành nên bị tạm treo quyền tuyển sinh. Thế rồi nhà trường nhanh chóng và kịp thời tuyển dụng được các tiến sĩ, thạc sĩ đủ số cần thiết. Cũng có thể trường vẫn luôn có đủ điều kiện để đào tạo nhưng đã không mô tả rõ ràng tình hình của mình khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo tưởng nhầm trường không đủ sức đào tạo, rồi ra quyết định dừng tuyển sinh. Bây giờ, trường đã làm sáng tỏ và bộ thấy được nên cho phép trở lại...
Đáng nói là trước khi ra quyết định tạm dừng tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường có liên quan, tùy trường hợp, phải chứng minh năng lực đào tạo của mình theo bộ tiêu chí đã định nhưng hết một thời hạn tương đối dài, các trường đã không làm được điều này. Vậy mà bây giờ, chỉ một thời gian ngắn sau khi quyết định chế tài được đưa ra, hàng loạt trường đã khắc phục được điểm yếu hoặc giải trình thỏa đáng.
Giả sử quyết định tạm dừng tuyển sinh là hợp lý, xác đáng, nghĩa là ngoài một số trường hợp ngành nghề đào tạo có tính đặc thù đã được làm rõ và một số trường cung cấp đủ thông tin về thực lực, các trường bị tạm dừng tuyển sinh là do không có đủ giảng viên cơ hữu đạt chuẩn. Xã hội có quyền nghi ngờ về khả năng khắc phục điểm yếu của các trường này, ít nhiều có vẻ... thần kỳ. Đã quá quen với việc chứng kiến những cuộc đua chạy theo thành tích trong ngành giáo dục, người ta không lạ khi nghe nói trường này, trường nọ chỉ trong ngày một ngày hai, từ chỗ thiếu hụt kinh niên giảng viên cơ hữu đủ điều kiện đứng lớp, nay đã có đủ, thậm chí nhiều hơn số lượng người dạy theo yêu cầu. Khó có thể tin đó là những con số thật, là sự phản ánh trung thực quá trình chuyển biến đầy nỗ lực của trường để đáp ứng đòi hỏi của nhà chức trách về năng lực đào tạo.
Mà nếu đó là những con số ảo, nếu quả thật trước khi trường bị yêu cầu tạm dừng tuyển sinh và sau khi yêu cầu này được dở bỏ, năng lực của trường chẳng thay đổi gì đáng kể thì rốt cuộc quyết định tạm dừng tuyển sinh mang ý nghĩa gì?
Từ những gì đang diễn ra, dễ có cảm giác rằng quyết định ấy không phải là sự trừng phạt mang tính răn đe mà chỉ là lời “nhắc khéo”, kiểu trong nhà bảo nhau: Phải tu sửa mình cho đàng hoàng trước khi giao dịch với xã hội, đừng để người ta nói mình “treo đầu dê, bán thịt chó”. Còn việc sửa kiểu gì thì... tùy trường!
Điều đó cũng có nghĩa rằng trước thái độ không bằng lòng, đúng hơn là nỗi bức xúc của xã hội do sự tụt dốc không phanh về chất lượng giáo dục, nhà chức trách không đứng giữa nhà trường và xã hội trong vai trò người có quyền phân xử với thái độ khách quan, không thiên vị mà đứng cùng một phía với nhà trường và cả hai cùng đối diện với xã hội trong một cuộc đôi co chưa có lối ra về trách nhiệm đối với sự xuống cấp đó.
Bình luận (0)