Trước khi lễ khai ấn diễn ra 3 giờ, toàn bộ khu vực quanh đền Trần đã được phong tỏa để lễ khai ấn được diễn ra suôn sẻ.
Mặc dù năm nay ban tổ chức lễ hội đền Trần Nam Định đã bố trí 4 khu vực và 75 điểm để phát ấn nhưng chừng đó vẫn chưa thể đủ để đáp ứng nhu cầu của hàng vạn người dân đổ dồn về đền Trần với ước mong có “ấn vua”.
Hàng vạn người đội mưa để xin ấn đền Trần
Xe công vẫn nườm nượp
Trên Quốc lộ 1A đoạn từ Hà Nội về TP Nam Định từ sáng qua, hàng đoàn dài ô tô đã nối đuôi nhau thẳng tiến về đền Trần. Dù tại lễ hội bố trí nhiều bãi đỗ xe rộng nhưng cảnh ùn tắc kéo dài hàng km vẫn diễn ra trên đường dẫn vào đền Trần.
Những năm trước, tình trạng xe công đi xin ấn đền Trần nhiều như nêm đã được các phương tiện truyền thông phản ánh nhưng năm nay xe công kéo về đền Trần vẫn nườm nượp.
Theo ghi nhận của chúng tôi, có rất nhiều xe biển xanh, đỏ từ nhiều tỉnh, thành khác nhau đổ về đền Trần trẩy hội. Trong số những xe công đi xin ấn đền Trần có nhiều xe sang của các sếp nhưng cũng có không ít xe 16 - 24 chỗ của tập thể cơ quan.
Theo ước tính của ban tổ chức, có hơn 30.000 người tập trung quanh khu vực đền Trần để đợi thời khắc khai ấn mỗi năm chỉ có một lần. Những ai có giấy mời và hai loại “thẻ xanh”, “thẻ đỏ” của ban tổ chức thì được đi qua hàng rào nhưng cũng phải đứng cách đền khá xa.
Dù vậy, do có quá nhiều người không có giấy mời và các loại thẻ này nên lực lượng an ninh đã phải làm việc khá vất vả để biển người không xô đổ hàng rào tràn vào đền.
“Nhất thân, nhì quen”
Dù theo quy định phải đến đúng 22 giờ 30 phút lễ khai ấn mới diễn ra nhưng từ khoảng 21 giờ, một số người dân quanh khu vực đền Trần đã khoe có ấn.
Ông Phạm Đức Chiến, một người dân dự lễ đứng bên ngoài khu vực hàng rào, cách xa đền Trần hàng km đã đưa cho chúng tôi xem “ấn xịn” được ông bảo đảm bằng kinh nghiệm hàng chục năm đi xin ấn đền Trần.
Một bộ ấn đền Trần gồm 3 mảnh vải màu vàng, trong đó mảnh vải vàng hình vuông là tờ ấn quan trọng nhất có đóng dấu. Hai mảnh vải màu vàng hình chữ nhật được coi là “bùa hộ mệnh” hay còn gọi là “dấu chấn trạch”.
Một người đàn ông đến từ Thái Bình “bật mí”: Năm nay, ấn có trước lễ khai ấn không nhiều như mọi năm nhưng nếu ai có người thân trong đền thì vẫn lấy được. Ban tổ chức lễ hội đền Trần nói rằng quy trình sản xuất ấn và quản lý phôi ấn cũng như ấn in đều rất cẩn mật nhưng việc ấn sớm được tuồn ra ngoài như thế này vẫn làm nhiều người hoài nghi về sự minh bạch của việc phát ấn. Ai cũng biết việc khai ấn chỉ mang tính nghi thức và ấn phát cho người đi trẩy hội đền Trần đã được “sản xuất” từ trước đó rất lâu nhưng rõ ràng để có ấn vẫn cần “nhất thân, nhì quen”.
Lấy ấn để thăng quan tiến chức!?
Tương truyền tục lệ khai ấn đã có từ sau khi nhà Trần lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân Nguyên Mông lần đầu tiên. Khi đó, vua Trần mở tiệc chiêu đãi, phong chức tước cho các tướng lĩnh có công. Chính vì quan niệm này mà người ta cho rằng xin được ấn đền Trần nghĩa là sẽ được thăng tiến trong công danh sự nghiệp. Cũng có lẽ vì thế mà năm nào đền Trần cũng thu hút khá đông đảo cán bộ, viên chức Nhà nước về dự hội. |
Bình luận (0)