icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chỉ ảnh hưởng đến 1.500 người Việt ở Mỹ

Theo LÊ LINH (Pháp luật TPHCM Online)

Có tiêu chuẩn thường trú nhân vẫn có thể bị trục xuất. Hiệp định về nhận trở lại công dân Việt Nam giữa Mỹ và Việt Nam có hiệu lực từ ngày 22-3-2008 gây hoang mang không ít trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Nhiều hội đoàn, công ty luật phải đứng ra giải thích bởi nhiều người chưa hiểu thấu đáo Hiệp định.

Sau khi Hiệp định về nhận trở lại công dân Việt Nam giữa Mỹ và Việt Nam được công bố, một số báo tiếng Việt ở Mỹ đưa tin: Mỹ sẽ trục xuất hơn 8.000 người VN nhập cư bất hợp pháp và có án hình sự.

Thực tế đúng là có khoảng 8.000 người VN đã có lệnh trục xuất hoặc đang trong quá trình làm thủ tục trục xuất. Tuy nhiên, không phải ai đã có lệnh trục xuất đều sẽ bị trục xuất theo Hiệp định.

Hiệp định quy định rõ chỉ hồi hương những công dân VN chưa nhập tịch Mỹ, có lệnh trục xuất và đến Mỹ từ ngày 12-7-1995 trở đi. Như vậy, những người đến trước thời điểm 12-7-1995 sẽ không phải hồi hương.

Có thẻ xanh: Thận trọng!

Theo ước tính của Sở Di trú Mỹ, Hiệp định chỉ ảnh hưởng đến khoảng 1.500 người VN đến Mỹ từ ngày 12-7-1995 trở đi. Đây là những người nhập cảnh vào Mỹ trái phép hoặc nhập cảnh hợp pháp nhưng ở lại Mỹ sau khi hết hạn visa, hoặc thuộc đối tượng thường trú nhân (đã có thẻ xanh) phạm tội và bị tòa án ra lệnh trục xuất.

Hầu hết người Việt có tên trong danh sách bị trục xuất đều vi phạm tội hình sự nên bị tòa án di trú thu hồi quy chế thường trú và đưa vào danh sách trục xuất hoặc đương sự tự nguyện thỏa thuận trục xuất để thoát cảnh tù tội.

Ngoài ra, cũng có không ít người Việt bị đưa vào danh sách trục xuất vì không tham dự các phiên tòa đã được ấn định.

Nhiều người Việt có thẻ xanh (thường trú nhân) chủ quan cho rằng Hiệp định không dính dáng gì tới họ. Tuy nhiên, nếu sau này phạm tội hình sự, họ vẫn có thể bị mất quy chế thường trú nhân và bị trục xuất về VN theo tinh thần Hiệp định.

Do đó, các luật sư ở Mỹ đã khuyến cáo những người có thẻ xanh phải hết sức tránh phạm pháp, đồng thời xúc tiến làm thủ tục nhập tịch Mỹ để bảo đảm sau này không bị trục xuất dù phạm tội hình sự.

Ăn cắp vẫn bị trục xuất

Theo Luật Di trú của Mỹ, những người không phải công dân Mỹ (bao gồm cả thường trú nhân) có thể bị trục xuất nếu phạm tội hình sự, dù là tội nhỏ như trộm cắp trong cửa hàng, tàng trữ ma túy với số lượng nhỏ hoặc ký chi phiếu khống. Họ cũng có thể bị trục xuất dù đã phạm tội nhiều năm trước và đã thi hành án.

Năm 2002, bà Lê Anh ăn cắp bánh mì và nước ngọt ở Houston (bang Texas) để cho con ăn vì bà không có tiền mua. Hai năm sau, bà lại ăn cắp hai cái bóp nhỏ và một cái nón. Tuy tội nhỏ nhưng do tái phạm nên bà có tên trong danh sách bị trục xuất về VN dù bà còn chồng và hai con ở Mỹ. Nhiều người Việt cứ tưởng ăn cắp vặt, bị kêu án treo là tội nhẹ, chừng nghe nói bị trục xuất mới hoảng.

Nhiều trường hợp có thể bị trục xuất một cách đáng tiếc bởi dù không phạm tội vẫn ráng nhận tội để được ra tù sớm.

Anh Trí Trần ở Westminster (bang California) sang Mỹ hồi tháng 9-1995. Một hôm, bà chủ nhà thuê nhờ anh ra sân bay Los Angeles lấy một gói quà. Cục Điều tra liên bang (FBI) khám xét thấy trong gói quà có ma túy. Anh bị tù năm năm.

Ngồi tù được bốn năm rưỡi, anh được chuyển sang nhà tù di trú rất tồi tệ. Luật sư khuyên anh nhận tội để được thả ra, nếu không anh phải ở đó cho tới khi FBI điều tra xong vụ án. Anh nhận tội cho xong, bây giờ mới tá hỏa khi nghe nói có thể bị trục xuất.

Trục xuất rất nhanh chóng

Một người đã có tên trong danh sách trục xuất thì có kết hôn với người mang quốc tịch Mỹ hay có hồ sơ bảo lãnh đều không cứu vãn được. Tòa án di trú cứ chiếu theo luật hiện hành mà làm chứ không quan tâm đến yếu tố nhân đạo.

Thông thường việc trục xuất được tiến hành nhanh chóng. Khi đến hạn trục xuất, cảnh sát của Cơ quan Di trú và hải quan Mỹ đến nhà riêng của đương sự đưa về khu biệt giam, sau đó áp giải lên máy bay trả về nguyên quán.

Vì vậy, đương sự cần nộp hồ sơ kháng cáo với văn phòng di trú trung ương để xin đưa tên ra khỏi danh sách, chờ ngày hầu tòa. Chắc ăn hơn, đương đơn nên tìm một văn phòng luật sư giỏi chuyên về lĩnh vực biện hộ trục xuất chứ không phải luật sư về di trú.

Ngày 12-2 tại Santa Ana (bang California), Cơ quan Di trú Công giáo Los Angeles đã phối hợp với một số tổ chức pháp lý phi lợi nhuận tổ chức hội thảo để giải thích rõ những vấn đề xung quanh Hiệp định về nhận trở lại công dân Việt Nam.

Có khoảng 100 người tham gia hội thảo, trong đó có các luật sư đến từ Trung tâm Dịch vụ pháp lý cho người gốc Á, Quỹ trợ giúp pháp lý Los Angeles, Tổ chức Mạng lưới Nam Á...

Nhằm tránh các trường hợp lừa đảo, các luật sư khuyên những người có liên quan đến Hiệp định chỉ nên tìm đến hai địa chỉ để tư vấn là luật sư di trú và đại diện được chính thức công nhận từ các tổ chức tôn giáo, từ thiện. Nếu không biết mình có tên trong danh sách trục xuất hay không thì nên gọi đến tòa án di trú để tìm hiểu.

Theo thống kê năm 2007, hiện có 1,5 triệu người Việt định cư ở Mỹ. Trong số này có một triệu người sinh tại Việt Nam với 69% đã nhập quốc tịch Mỹ. Theo phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ năm 2001, đối với những người bị án lệnh trục xuất, sau sáu tháng bị giam, chính quyền Mỹ phải trả tự do để thực hiện lệnh trục xuất. Hiện còn khoảng 200 người Việt đang bị Sở Di trú Mỹ giam giữ. Kể từ năm 1996 đến nay, Mỹ đã ký hiệp định trục xuất với nhiều nước như El Salvador, Trung Quốc, Ấn Độ và đã trục xuất khoảng 1,5 triệu người.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo