Trong mức hỗ trợ này, ngoài 500 đồng cho tiêu hủy thuốc lá lậu, thuốc lá giả, khuyến khích sử dụng các biện pháp tiêu hủy không ảnh hưởng môi trường thì 360 đồng sẽ chi cho ban chỉ đạo quốc gia và địa phương (nơi có thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả bị bắt giữ, tiêu hủy) về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia; 150 đồng cho ban điều hành quỹ của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, còn lại là cho lực lượng trực tiếp phòng chống buôn lậu thuốc lá và chống sản xuất, kinh doanh thuốc lá giả.
Trước khi có Thông tư 19, ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, cũng là Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam - nhiều lần đề nghị nâng mức hỗ trợ cơ quan chức năng để tăng hiệu quả trong việc phòng chống buôn lậu thuốc lá, vốn đang khiến doanh nghiệp thuốc lá trong nước lao đao. Đề nghị của ông Cường được đáp ứng nhưng vấn đề là ở chỗ hiệu quả của việc phòng chống buôn lậu thuốc lá và sản xuất thuốc lá giả đến đâu?
Để tồn tại, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước phải hỗ trợ kinh phí phòng chống hàng nhập lậu và hàng giả là đương nhiên. Song, từ chỗ không có hỗ trợ đến được hỗ trợ 1.100 đồng rồi 3.500 đồng, thậm chí kể cả khi Bộ Công Thương có Thông báo số 80/2015 cho rằng đã “hạn chế tối đa tình trạng bày bán công khai thuốc lá nhập lậu tại các cửa hàng”, thị trường trong nước vẫn tràn ngập thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả. Cơn sốt nhập lậu thuốc lá khó có thể nói là hạ nhiệt dù cơ quan chức năng liên tục công bố “xóa sổ” hết điểm nóng này đến điểm nóng khác. Ngay cả Bộ Công Thương hồi tháng 9-2014 cũng đã thừa nhận con số thuốc lá lậu vào Việt Nam đã vượt 1 tỉ gói!
Vậy thì mức hỗ trợ 3.500 đồng hay cao hơn nữa liệu đã là phương thuốc đặc trị hữu hiệu cho việc phòng chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả?
Có ý kiến cho rằng các cơ quan tham gia chống nhập lậu thuốc lá và thuốc lá giả luôn than lực lượng mỏng, vậy thì sao kinh phí hỗ trợ không nhắm đến người dân để huy động họ vào việc phát hiện, tố giác? Sao không dùng nguồn quỹ đó để nâng cao chất lượng, hạ giá thành thuốc lá nội để cạnh tranh? Lại có ý kiến sao không học Hàn Quốc, Nhật Bản - những nước chẳng hề cấm mà hàng lậu đố vào được quốc gia của họ, mà nếu có vào thì trốn chui trốn nhủi chứ không ầm ầm và bán công khai rồi dân và cả nhiều cán bộ vẫn mua, vẫn hút tự nhiên như ở nước ta?
Cần phải thấy rằng hàng nhập lậu và hàng giả ở nước ta không chỉ riêng gì thuốc lá. Không lẽ, cứ sản phẩm nội nào khó chống lại sức tấn công của hàng nhập lậu và hàng giả thì doanh nghiệp trong ngành hàng ấy lại góp tiền lập quỹ hỗ trợ cơ quan chức năng? Cho nên, hỗ trợ là cần thiết nhưng rõ ràng chưa đủ mạnh trong việc phòng chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả nói riêng và hàng lậu, hàng giả nói chung. Cần phải bắt đúng “bệnh” để tìm “thuốc” trị chứ không phải cứ đề nghị tới đâu là hỗ trợ tới đó!
Bình luận (0)