“Nhờ da thịt tôi được ướp muối kỹ mấy chục năm nay” - ông hóm hỉnh.
Với dáng người đậm chắc của một thợ lặn nhưng ông Khanh lại có phong thái của nhà giáo. Gọi ông là thợ máy tàu lão luyện, là bậc thầy lặn biển hay nhà nghiên cứu hải dương học đều không sai. “Tất cả chỉ vì mê biển đảo” - ông giải thích.
Vợ chồng ông Tô Phước Khanh với tài liệu ghi chép về đáy biển Trường Sa Ảnh: HỒNG ÁNH
Xuất thân từ trường dòng, ông Khanh nói tiếng Pháp như tiếng Việt. Năm 17 tuổi, ông bị bắt đi quân dịch. Nghe ông nói tiếng Pháp, các quan thầy mê tít, ngắm nghía dáng người rắn rỏi rồi chọn đưa đi học máy tàu để bổ sung cho lực lượng hải quân. Trở về sau hơn 1 năm học tại Pháp, ông được giao đào tạo máy tàu cho lực lượng hải quân của chính quyền Pháp thuộc tại Nha Trang.
Sau năm 1954, ông Khanh tiếp tục được chính quyền Ngô Đình Diệm đưa sang Mỹ học bổ túc máy tàu 2 năm, khi về nước cũng dạy cho lực lượng hải quân vùng 2 tại Trung tâm Huấn luyện hải quân Nha Trang. Ông được xem là một trong số ít người nắm vững nhất về máy tàu biển thời đó.
“Khi ở Mỹ cũng như lúc tập huấn ở Hạm đội 7, tôi học kỹ lắm. Chỉ cần nhìn độ xoắn trong một cánh quạt chân vịt, tôi đã biết nó dành cho máy tàu bao nhiêu mã lực, thuộc loại tàu nào…” - phó Khoa Cơ khí Trung tâm Huấn luyện hải quân Nha Trang ngày nào tự hào.
Ngày đó, giữa thầy và trò có khoảng cách rất xa nhưng với ông Khanh thì khác. Chiều chiều, ông thường cởi trần đánh bóng chuyền với học viên. Có lần, một học viên tên Ninh nhờ ông xin giúp gia đình mình bị bắt nhốt ở Vùng 2 Hải quân khi đang đánh cá trên biển mà không có giấy tờ tùy thân. Thương trò, ông xin thả hết số người bị bắt ngay trong đêm.
Đó không phải là lần duy nhất ông xin thả người. “Một hôm, tôi bị bên an ninh quân đội triệu tập hạch tội xin thả cộng sản. Tôi ngơ ngác: “Có quen ai cộng sản đâu mà xin, mà thả người là chỉ huy thả chứ”. Thế là yên, tôi tiếp tục giảng dạy” - ông cười.
Tháng 4-1975, cả trung tâm được đưa về cảng Ba Son ở Sài Gòn để rút chạy sang Mỹ. Khi tàu nổ máy, ông Khanh lẻn bỏ lên bờ. Ra trình diện cách mạng, ông bất ngờ gặp anh học trò tên Ninh mặc quân phục bộ đội đến chào. Năm người từng làm công trong nhà ông cũng do cách mạng cài vào, lúc này thuộc lực lượng tiếp quản. Nhờ họ giới thiệu và chủ yếu là nhờ kiến thức về máy tàu, ông được mời về giảng dạy ở Học viện Hải quân Nha Trang.
“Nói về máy tàu thì nhiều thợ lành nghề bây giờ phải tôn ông Khanh bằng thầy” - ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, nể phục.
Ông Khanh bảo mình mê lặn biển như trẻ con mê kẹo nên khi biết tin Pháp có Hội Săn bắt và Thám hiểm đáy biển, năm 1962, ông đề xuất và được Trung tâm Huấn luyện hải quân Nha Trang cử đi học lặn gần 1 năm. Về nước, ông thành lập hội săn bắt và lặn biển miền Trung lấy tên Sao Biển.
“Nhiều thợ lặn miền Trung rất giỏi nhưng không nắm vững kỹ thuật nên bị tai biến, bại liệt, thậm chí tử vong. Tôi đứng ra mở lớp tập huấn cho các thợ lặn chuyên nghiệp của khu vực để họ không phải trả giá với nghề này” - ông cho biết. Những “vua” lặn ngày nay như Bùi Thượng (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cũng từng học lớp này.
Từng lặn biển 15 nước, đạt kỷ lục xuống sâu đến 78 m mà không cần đồ bảo hộ, ông Khanh khẳng định mình thuộc làu vùng đáy biển gần một số đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa như ngóc ngách trong nhà. Trước năm 1975, ông đã hơn 10 lần đưa Sao Biển ra Hoàng Sa lặn hay đưa học viên ra đây tập dượt. Từ một lần đề xuất của hội Sao Biển, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã tổ chức cuộc thi lặn quốc tế tại Hoàng Sa.
“Ngoài hàng trăm thợ lặn, cuộc thi còn mời giới truyền thông quốc tế ra Hoàng Sa tham gia nhằm khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này. Cuộc thi còn có phần sưu tầm cổ vật. Các đội chia nhau đi thu lượm mảnh sành, mảnh gốm của người Việt trên đảo rồi chôn sâu dưới cát. Lúc ấy, tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ đề phòng sau này nếu có tranh chấp thì con cháu mình có cơ sở khẳng định chủ quyền đối với quần đảo” - ông tâm sự.
Sau 5 năm giảng dạy ở Học viện Hải quân Nha Trang, ông Khanh về làm chủ nhiệm HTX Đóng tàu Nha Trang nhưng cái thú lặn biển vẫn lôi tuột ông xuống nước hằng ngày. Năm 1989, đoàn nghiên cứu và khảo sát ngư trường Trường Sa do Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Võ Hòa khởi xướng cũng có mặt ông.
“Đó là lần đầu tiên có một tổ chức dân sự ra Trường Sa. Sau sự kiện Gạc Ma năm 1988, tình hình ở Trường Sa lúc ấy chưa phải đã yên nhưng chúng tôi không ngại. Đoàn có hơn 100 người do tôi chỉ huy chia làm 6 đội đi trên 6 tàu cá, vừa nghiên cứu, khảo sát vừa khai thác thử ở ngư trường này suốt 1 tháng. Ông Khanh nằm trong đội thợ lặn, suốt ngày ở dưới biển, rất gan lì và giỏi chịu đựng” - ông Vũ Đức Quý, nguyên Trưởng Phòng Kỹ thuật Sở Thủy sản Khánh Hòa, kể.
Ông Khanh cho biết cá mập ngày ấy ở Trường Sa rất nhiều, có con nặng đến 250 kg. Tuy nhiên, đội thợ lặn của ông vẫn tìm cách để bảo đảm an toàn. Những nghiên cứu của đoàn khảo sát đã mở đầu cho việc tập trung khai thác hải sản ở ngư trường Trường Sa sau đó.
Những ngày ở HTX Đóng tàu Nha Trang, ông Khanh đã mày mò nghiên cứu, sản xuất và xuất khẩu keo Aginat dùng làm hồ vải sợi từ rong mơ dưới biển. Trước đó, loại keo này chỉ được sản xuất từ bột gạo. “Nhiều người đùa rằng tôi là người giàu nhất thế giới vì có đến hàng triệu mẫu ruộng dưới đáy biển. Tôi cũng là người đầu tiên nghiên cứu thành công và xuất khẩu sứa khô nhằm tận thu hàng ngàn tấn sứa bị vướng lưới ngư dân, vốn chỉ bỏ đi. Hiện nay, tôi đang tiếp tục nghiên cứu cho tôm hùm sinh sản nhân tạo, điều mà chưa đâu làm được” - ông háo hức.
Hiện ông Khanh sống với vợ, còn 6 người con của ông đã sang Thụy Sĩ định cư. Nhiều lần các con nài nỉ đưa ông bà sang đoàn tụ nhưng nói thế nào ông cũng không nghe. “Không ở đâu sống thoải mái như ở quê mình” - ông tâm sự.
Bình luận (0)