“Nguồn lực vốn từ đất đai đang bị ứng xử không đúng, không vốn hóa được” là một trong những cản trở mà TS Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), dẫn ra với ví dụ cụ thể: Một ha lúa khu vực ĐBSCL có giá trị thực từ 1-2 tỉ đồng nhưng khi định giá tín dụng, nông dân chỉ có thể thế chấp vay được 200-300 triệu đồng bởi giá đất nông nghiệp đang được quy định hành chính từ UBND cấp tỉnh chỉ bằng 1/10 giá trị thực tế.
Cũng tại diễn đàn này, TS Đặng Quang Vinh, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định hiện rất nhiều hộ nông dân đã đạt tới giá trị của hạn điền với hàng ngàn hecta sản xuất, tuy nhiên sản xuất vẫn gặp khó khăn khi người dân không có quyền tự quyết với đất đai.
Thực ra, vấn đề hạn điền và tích tụ ruộng đất đã được dư luận quan tâm đề cập rất nhiều lần. Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra cuối năm 2016, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết đến nay, chúng ta chỉ có 4.000 doanh nghiệp (DN), 12.000 HTX, 56.000 tổ HTX, 29.500 trang trại, cho thấy nhân tố chủ chốt trong tổ chức sản xuất hàng hóa lớn còn ít. Ông Cường bày tỏ mong muốn tháo gỡ những điểm nghẽn then chốt, tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp, trong đó nút thắt lớn nhất là về đất đai.
Ít chuyên gia về sản xuất nông nghiệp tán đồng quan điểm chỉ dựa vào tích tụ ruộng đất hay thay đổi chính sách hạn điền để “vực” ngành nông nghiệp nhưng nhiều người đồng tình là hạn mức đất canh tác đang quá nhỏ. Luật Đất đai 2013 quy định hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là không quá 3 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, TP trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL; không quá 2 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, TP trực thuộc trung ương khác. Muốn làm ăn lớn, máy móc chạy băng băng mà hạn điền như thế khác nào “bó chân bó tay” cho những ý tưởng làm ăn lớn.
“Chiếc áo cũ” tư duy pháp luật về đất đai đã chật nhưng hạn điền như thế nào là lớn khi nền nông nghiệp chủ yếu đi lên từ hộ gia đình với căn cơ là nền sản xuất nhỏ như Việt Nam thì lại là vấn đề không đơn giản (?).
Phải mở rộng hạn điền vì đây là vấn đề bức xúc hiện nay để DN mạnh dạn đầu tư hoặc điều chỉnh quy mô sản xuất. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo như vậy trong một hội nghị về nông nghiệp, tổ chức ngày 15-3 tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Dù vậy, Thủ tướng cũng nói rõ là “mở rộng hạn điền một cách phù hợp”.
Nói như thế để thấy không chỉ các chuyên gia về nông nghiệp, DN, nông dân mà cả Chính phủ cũng thấy phải tính toán lại việc mở rộng hạn điền hay thay đổi chính sách về tích tụ ruộng đất thế nào cho phù hợp thực tiễn và xu hướng phát triển. Vì thế, trong thời gian này, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ NN-PTNT cùng Bộ Tư pháp đang khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, càng rất cần những đóng góp trí tuệ lẫn những nhìn nhận thấu đáo từ thực tiễn.
Bình luận (0)