Ngày 14-7, Thành ủy TP HCM tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Trần Bạch Đằng - Người cộng sản kiên trung”.
Tư duy chiến lược
Ông Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM - khẳng định hơn 80 năm tuổi đời, với hơn 60 năm một lòng theo Đảng và Bác Hồ, ông Trần Bạch Đằng đã thể hiện trọn vẹn là một người chiến sĩ cách mạng trung kiên. Với tư duy và khả năng phân tích sắc bén trên nhiều lĩnh vực, những suy nghĩ, đề xuất của ông luôn chứa đựng sự gợi mở, sắc sảo, mang tính đột phá. “Đó chính là bản lĩnh, tính cách Trần Bạch Đằng. Là cán bộ làm công tác tư tưởng, nhà báo, chính luận, ông đã cống hiến những trang viết đặc sắc về quan điểm, vai trò lãnh đạo cách mạng và dân tộc của Đảng; những giải pháp trong công tác xây dựng Đảng, trong đối diện và giải quyết những thách thức của một chính đảng cầm quyền như tình trạng quan liêu, tham nhũng, tha hóa của cán bộ…” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, ông Trần Bạch Đằng gắn bó với Đảng bộ, nhân dân Sài Gòn - Gia Định - TP HCM hầu như suốt quãng đời cách mạng của mình. Ngay cả vấn đề gai góc mà TP đã và đang nỗ lực tập trung giải quyết cũng từng là trăn trở của ông trong việc tìm kiếm những giải pháp khoa học từ hàng chục năm về trước như: TP HCM - TP trên kênh rạch. Tại sao không? Tại sao chỉ nghĩ đến nhà cao tầng, đường bộ? Điểm nút ở đây, chẳng những chống ngập lụt mà còn vì dân giàu, đô thị sạch và đẹp…; kiến trúc đô thị, xây dựng công viên, phát triển mảng xanh trở thành nhiệm vụ quan trọng của TP, như xu thế các TP trên thế giới. Về vấn đề giảm tai nạn giao thông ở TP HCM, cần gấp rút hình thành nhiều TP vệ tinh, quy hoạch các khu dân cư hợp lý, phân tán rộng, từ nơi cư ngụ đến nơi làm việc không xa, không nhất thiết mọi dịch vụ đều gom về một khu trung tâm...
“Không quá lời khi khẳng định những ý kiến trên của ông Trần Bạch Đằng mang tính dự báo, tiên lượng rất cao” - ông Đinh La Thăng đúc kết.
Đổi mới đi lên từ thực tế
Ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hà Nội - cho biết thật khó kể hết, dù chỉ làm phép tính cộng hoặc liệt kê những cống hiến mà ông Trần Bạch Đằng đã đóng góp; những vùng đất ông đã đặt chân; những công trình, tác phẩm, bài viết được ông công bố… “Đọc các bài viết của ông luôn thấy hiện lên những sự kiện thời sự nổi bật, những vấn đề đang được mọi người quan tâm; những gương người tốt, việt tốt có thật xung quanh ta. Cái tài của ông không chỉ ở sự nắm bắt, phân tích các vấn đề mà còn ở văn phong, bút pháp vừa sâu sắc, lại hấp dẫn và dễ hiểu” - ông Phạm Quang Nghị đánh giá.
Ông Lê Thanh Hải - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM - cho rằng ông Trần Bạch Đằng là một nhà chính trị bản lĩnh và trí tuệ, người lãnh đạo dày dạn trên mặt trận tư tưởng; nhà báo, nhà văn, nhà thơ luôn thể hiện khí phách hào hùng, đầy bản lĩnh song cũng chan chứa chất trữ tình và chiều sâu của sự suy tưởng. Dù ở vị trí nào, ông cũng bộc lộ một trí tuệ mẫn tiệp, tư duy sâu sắc, kiến giải những vấn đề phức tạp hết sức thấu đáo, chỉ rõ bản chất và cách giải quyết căn cơ.
Theo ông Lê Thanh Hải, thời gian sẽ làm nhòa đi nhiều thứ nhưng những người như ông Trần Bạch Đằng chắc chắn để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử đấu tranh cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, trong lịch sử cách mạng của nhân dân.
Ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, cho biết hội thảo đã nghe nhiều tham luận, ý kiến đánh giá sâu sắc, trung thực, khách quan và khá toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến, đóng góp to lớn cũng như những phẩm chất cách mạng cao đẹp của ông Trần Bạch Đằng. “Thế hệ hôm nay của Đảng bộ TP HCM luôn tâm nguyện gắn bó mật thiết với nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, nỗ lực giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc của nhân dân để cuộc sống của nhân dân ngày một cải thiện, có chất lượng tốt hơn; TP phát triển nhanh và bền vững, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho đất nước” - ông Tất Thành Cang nói.
Kinh qua nhiều trọng trách
Ông Trần Bạch Đằng (tức Tư Ánh) tên thật là Trương Gia Triều; SN 1926 tại xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang; mất năm 2007. Ông tham gia cách mạng từ năm 1941 và từng giữ các chức vụ Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Ban Dân vận Trung ương, công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương.
Bình luận (0)