Theo thông tin ban đầu, chiếc tàu số hiệu H29-BP của một đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chở 30 người (gồm 2 chuyên gia người Mỹ và các công nhân thuộc Công ty CP Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam) từ huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang về TP Vũng Tàu vào tối 2-8. Khi đi ngang địa bàn thuộc sông Soài Rạp (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP HCM), gặp sóng lớn và bị nhấn chìm.
Những người mất tích nhiều khả năng không ai sống sót
Bác sĩ Huỳnh Văn Luyến, Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ, cho biết lúc 2 giờ 30 phút ngày 3-8, bệnh viện này tiếp nhận 14 bệnh nhân trong tình trạng nhiễm lạnh, tay chân trầy xước, do Bộ đội Biên phòng đưa đến. Tất cả 14 bệnh nhân đều hồi phục về sức khỏe nhưng tinh thần còn rất hoảng loạn. Đến 12 giờ cùng ngày, toàn bộ 14 nạn nhân nói trên đều đã xuất viện và được xe của Công ty CP Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam đưa về nhà, trong đó có 1 trường hợp được người nhà xin đưa về bệnh viện ở TP HCM để tiếp tục điều trị. Tại Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu, 4 nạn nhân gồm 2 người Việt cùng 2 vợ chồng có quốc tịch Mỹ - John Heinemann và Gloria Heinemann - đều đã qua cơn nguy hiểm.
Đến 17 giờ ngày 3-8, thi thể 2 nạn nhân đầu tiên được tìm thấy là Nông Thị Thiên (SN 1979) và Cao Hoàng Phương Khanh (SN 1980), cùng ngụ tỉnh Tiền Giang. Chiếc tàu gặp nạn cũng được lai dắt về TP Vũng Tàu để tiếp tục xử lý, phục vụ điều tra.
Giá như lực lượng cứu hộ đến sớm hơn...!
Anh Hoàng Anh Tuấn (SN 1982, ngụ tỉnh Nghệ An), 1 trong số 21 người may mắn sống sót, kể: “Ngay khi tàu nghiêng, lái phụ đã huy động 30 hành khách dồn về phía còn lại để lấy cân bằng nhưng sóng đánh quá nhanh khiến tàu lật úp. Hành khách chỉ kịp nhảy xuống nước rồi cùng thủy thủ đoàn tìm cách bám vào phần mũi tàu chưa chìm nhưng mỗi lần sóng đánh tới, mọi người lại dạt ra. Cứ cầm cự như vậy suốt gần 6 giờ thì những người đuối sức không chịu được nữa nên buông tay”.
“Lúc đó, có anh Trần Hữu Hiệp trên người mặc áo phao, thấy một phụ nữ ngoi ngóp trong nước nên cởi áo phao nhường cho cô ta. Sau đó, Hiệp bị sóng đánh văng ra xa. Anh bơi trở lại chưa tới nơi thì bị sóng đánh tiếp. Do uống quá nhiều nước lại đuối sức nên Hiệp tắt thở và gục trên tay tôi. Tôi cố gắng giữ anh Hiệp nhưng không được, sóng ập tới kéo anh ra xa...” - nạn nhân Đặng Hồng Phương nghẹn ngào kể về việc không giữ được thi thể của đồng nghiệp mình và cho biết giá như lực lượng cứu hộ đến sớm hơn 10-15 phút thì có lẽ đã có rất nhiều người đã được cứu sống.
Anh Nguyễn Văn Cương (SN 1988, ngụ tỉnh Hà Tĩnh) nói trong nước mắt: “Cuối tuần, công ty cho công nhân về TP HCM. Thường thì chúng tôi đi bằng xe máy nhưng trong tuần này có một số người đi dự đám cưới ở TP Vũng Tàu, số anh em khác muốn đi chơi TP Vũng Tàu nên đã thuê tàu cùng đi. Trong đoàn đi có 5 phụ nữ, trong đó có một người đi cùng chồng là người nước ngoài. Chiều 2-8, tàu từ TP Vũng Tàu lên đón và dự kiến đến nơi lúc 20 giờ cùng ngày”.
Nằm trên giường bệnh với thương tích đầy mình, anh Nguyễn Văn Dương kể về chuyến đi định mệnh: “Lúc đó, tôi thấy tàu chao đảo và bị nghiêng sang một bên. Nhiều người hốt hoảng kêu gào nên tôi đẩy cửa lên để mọi người thoát ra. Chiếc tàu nghiêng sang trái và nước tràn vào ào ạt. Tôi la lớn để mọi người chạy sang phải cho cân bằng nhưng không kịp”.
“Chúng tôi thấy một phụ nữ bị mắc kẹt trong khoang không nhảy ra kịp. Tàu chìm dần xuống nước chỉ còn phần mũi. Tôi và rất nhiều người cố gắng đu bám trên phần tàu còn nổi. Lúc đó, anh Nguyễn Văn Cương cầm theo điện thoại di động trên tay nên gọi cho công ty và lực lượng cứu hộ. Anh vừa nói xong thì sóng ập tới khiến anh và chúng tôi bị dạt ra xa” - anh Dương kể tiếp. n
Xuất xứ của tàu không rõ ràng Đại tá Trần Công Hiểu, Phó Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết chiếc tàu bị chìm có số hiệu H29-BP, là 1 trong 2 chiếc do Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) tài trợ cho Bộ đội Biên phòng tỉnh để làm nhiệm vụ, cách đây khoảng 4 tháng. Sau khi nhận bàn giao, hoạt động một thời gian ngắn thì 2 chiếc tàu bị trục trặc, hỏng máy nên được đưa đến Công ty CP Công nghệ Việt - Séc để sửa chữa và chưa nhận bàn giao lại. Còn vì sao chiếc tàu này lại được nhóm người thuộc Công ty CP Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam sử dụng thì hiện chưa rõ. |
Bình luận (0)