Ngày 20-10, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Lê Mạnh Hà đã chủ trì buổi họp báo giới thiệu Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử.
Thử nghiệm thành công
Ông Lê Mạnh Hà cho biết Nghị quyết 36a đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Mục tiêu của nghị quyết là 100% dịch vụ công được cung cấp qua mạng điện tử; thiết lập cổng dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng, liên thông văn bản từ cấp trung ương đến xã.
Cụ thể, hết năm 2016, các bộ - ngành có 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3). Triển khai các hệ thống thông tin quốc gia về dân cư, đất đai - xây dựng, doanh nghiệp... Triển khai thu phạt vi phạm hành chính qua mạng điện tử; công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (gọi tắt là cổng - chinhphu.vn), trước ngày 1-3-2016; đối với TP HCM, hoàn thành trước ngày 15-10-2015.
Theo ông Lê Mạnh Hà, cổng đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM và các đơn vị liên quan thử nghiệm kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản giả lập của VPCP với hệ thống của TP HCM và một số tỉnh, thành qua trục liên thông thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm cho thấy việc liên thông văn bản điện tử thông suốt từ trung ương đến địa phương. “Đến nay, đã có 27 UBND tỉnh, thành và 3 bộ thực hiện kết nối, liên thông thử nghiệm phần mềm quản lý văn bản với hệ thống giả lập của VPCP” - ông Hà nói.
Từ kết quả trên, cổng đã phối hợp với Sở TT-TT TP HCM triển khai kết nối, liên thông thử nghiệm giữa VPCP với 23 tỉnh, thành và 3 bộ (Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, TT-TT) giai đoạn 1. Tiếp đó, mở rộng ra với các địa phương, bộ, ngành khác. Hiện đã thống nhất kế hoạch liên thông, kết nối với 27 bộ, ngành và 40 tỉnh, thành. Đến thời điểm này, cấu hình kết nối trên trục liên thông thử nghiệm cho 38 tỉnh, thành.
Không tích cực sẽ bị áp đặt tiến độ
Ông Lê Mạnh Hà khẳng định các bộ, ngành, địa phương nào chưa tích cực sẽ bị áp đặt tiến độ. “Đây là thời điểm có sự quyết tâm lớn của lãnh đạo Chính phủ về việc thực hiện Chính phủ điện tử và nếu bỏ lỡ thì không bao giờ làm được nữa” - ông Hà nhìn nhận.
Về lợi ích cụ thể, ông Hà nhấn mạnh: “Chỉ riêng lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT), Chính phủ điện tử đi vào hoạt động có thể tiết kiệm hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm”. Đơn cử, Hà Nội và TP HCM có thể xây dựng hệ thống tín hiệu điều khiển giao thông; các bộ, ngành có thể liên thông văn bản điện tử, tích hợp các dịch vụ công, đăng ký kinh doanh, quản lý đất đai và xây dựng, BHYT, visa; cấp các loại thẻ, giấy phép... “Nếu ứng dụng công nghệ thông tin được giám sát từ đầu các giấy tờ hồ sơ thủ tục hành chính thì không có chuyện sai phạm kéo dài của tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội” - ông Hà dẫn chứng.
Dùng Facebook để thông tin
Tại buổi họp báo, tổng giám đốc cổng, ông Vi Quang Đạo, xác nhận đang chạy thử nghiệm trang Facebook có tên gọi “Thông tin Chính phủ” nhằm đưa thông tin hoạt động của Chính phủ rộng rãi trên internet. “Thủ tướng và lãnh đạo VPCP thường xuyên có ý kiến yêu cầu phủ sóng thông tin Chính phủ rộng rãi hơn. Từ tháng 10, trang www.chinhphu.vn đã thử nghiệm trên Facebook một trang web tin tức/phương tiện có tên “Thông tin Chính phủ”. Trước đó, cũng trên Facebook, chúng tôi đã thử nghiệm “Diễn đàn cạnh tranh quốc gia” - ông Đạo nói.
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết nghị quyết đã giao VPCP thiết lập mạng xã hội - chính quyền để người dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. “Triển khai trên thực tế sẽ không dễ nhưng phải làm” - ông Hà quả quyết.
Bình luận (0)