Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử - điểm đến hấp dẫn của du khách và dân phượt "chuyên nghiệp" hiện nay
Vào những ngày cuối năm 2016, phóng viên Báo Người Lao Động cùng nhóm bạn của mình đã “hạ gục” đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, với số thời gian ngắn hơn rất nhiều so với không ít nhóm phượt đã chinh phục đỉnh núi đầy gai góc này, với 1 đêm 2 ngày.
Bạch Mộc Lương Tử là ngọn cao nhất trong dãy núi nằm giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, cách Hà Nội gần 400 km, cách Sa Pa 40 km. Chính vì vậy, khách du lịch có thể chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử từ 2 phía là xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai và xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Đây là đỉnh núi cao thứ tư tại Việt Nam, với 3.046 m, đứng sau lần lượt các đỉnh Pu Si Lung (3.076 m), Pu Ta Leng (3.096 m) và mái nhà Đông Dương – đỉnh Fansipan (3.143 m).
Khởi hành từ xã Sàng Ma Sáo
Cho đến giờ, cái tên Bạch Mộc Lương Tử cũng chưa rõ do ai đặt cho ngọn núi này vì trước đây người địa phương không gọi như vậy. Nhiều giai thoại cho rằng đây là tên do phượt thủ đặt.
Tử đỉnh núi hoang vắng trước đây, vốn chỉ là nơi để bà con dân tộc Mông bản địa khai khẩn, trồng thảo quả hay chăn nuôi gia súc (trâu, dê, bò…), sau khi Fansipan có cáp treo, từ sau năm 2013, Bạch Mộc Lương Tử trở thành điểm hấp dẫn bậc nhất của các phượt thủ chuyên nghiệp cũng như giới trẻ ưa thích môn leo núi, chinh phục và khám phá đỉnh cao mới.
Tuy nhiên, không như đỉnh Fansipan (cao hơn gần 100 m) nhưng tuyến đường đã được dân porter (người địa phương dẫn đường và gùi hành lý cho các nhóm du khách) và người dân bản địa, cán bộ Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn “đẽo gọt” cho bằng phẳng, bớt nguy hiểm thì đỉnh Bạch Mộc Lương Tử vẫn còn rất trắc trở, tuyến đường như dài ra thêm nhiều km và đáng sợ là có nhiều đoạn cheo leo, chênh vênh, phượt thủ phải đu bám trên vách núi và họ có thể mất mạng nếu bất cẩn.
Muốn lên được đỉnh núi này từ Lào Cai phải qua đỉnh núi Muối (ở độ cao 2.100 m). Đây cũng là điểm dừng chân qua đêm đầu tiên của các đoàn du lịch trong hành trình chinh phục Bạch Mộc Lương Tử. Đỉnh này có tên do người dân địa phương đặt vì có nhiều cây cỏ muối. Đây là điểm ngắm cảnh và còn được gọi là “biển mây” thuận lợi nhất trên dãy núi này.
Tại điểm dừng chân này, các du khách được cung cấp dịch vụ ăn ngủ trong các nhà gỗ và có người nấu ăn với món gà, thịt lợn, rau, cơm, xôi… địa phương rất ngon miệng.
Thông thường các nhóm bắt đầu khởi hành từ chân núi vào buổi trưa thì đến chiều tối, gần tắt nắng mới đến được núi Muối, còn nếu khởi hành từ sáng sớm như đoàn chúng tôi thì khoảng 14 giờ 30 đã có mặt tại núi Muối và thỏa sức chụp ảnh mây bảng lảng xung quanh núi.
Vì lên núi muộn nên các đoàn cũng để đến gần trưa mới leo lên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử và dành thời gian cho chụp ảnh tại núi Muối. Đây cũng là điểm dừng chân qua đêm của các nhóm khách để dưỡng sức xuống núi sau khi lên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử trở về (đêm thứ 2).
Song nhóm chúng tôi đã đã khởi hành từ tờ mờ (4 giờ 30 phút) sáng tại núi Muối để lên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử và mất 1 giờ 15 phút để đến điểm cao 2.600 m thì sẽ được tận mắt chứng kiến một biển mây đẹp như ở chốn bồng lai tiên cảnh.
Tại vị trí này, dân porter đã bắc 1 tấm ván qua 2 mỏm núi để các phượt thủ tha hồ chụp ảnh selfie với xung quanh và dưới chân là mây đu bám, quấn quýt trong sớm bình minh. Từ đây nhìn xuống núi Muối dưới chân, với trạm dừng chân lấp ló trong mây.
Với chiều dài khoảng gần 300 m từ điểm cao 2.300 m đến 2.600 m là đoạn đường khó đi và vất vả bậc nhất trong suốt hành trình khám phá đỉnh cao Bạch Mộc Lương Tử. Với chỉ 300 m nhưng con đường này hẹp, dốc và rất trơn trượt nếu thời tiết có mưa nên quãng đường này là điểm thử sức bền, sự kiên trì, lòng quyết tâm đối với các phượt thủ.
Nhiều dân phượt đã phải bỏ dở giấc mơ chinh phục Bạch Mộc Lương Tử khi gặp đoạn dốc này và nhóm chúng tôi cũng không ngoại lệ, với 2 thành viên phải dừng cuộc chơi.
Nói về sự khắc nghiệt trong suốt hành trình chinh phục Bạch Mộc Lương Tử mà phượt thủ phải vượt qua có rất nhiều đoạn phải nhờ cậy porter hay thành viên dũng cảm trong đoàn kéo giúp hay đẩy lên từ phía sau để vượt qua chỗ khó khăn và nguy hiểm. Đỉnh điểm là “cửa tử” – được nhiều phượt thủ đặt tên như vậy nằm ở vị trí cách từ chân núi khoảng 5 giờ đi bộ đường rừng.
Trước khi vượt qua “cửa tử” từ chân núi lên, các porter dẫn đường thường chọn vị trí này để dừng chân hoặc ăn trưa nếu đoàn đi từ sáng sớm. Và khi từ đỉnh núi xuống, các đoàn vượt qua được “cửa tử” thì xem như đã hoàn thành việc chinh phục Bạch Mộc Lương Tử, trở về nhà an toàn sau khi đã vượt qua 30km đường rừng, với việc leo lên, leo xuống nhiều ngọn núi cao ngút tầm mắt lẫn trong mây trắng...
Đôi bạn trẻ trên điểm cao 1.700 m
Một lán trông dê của bà con dân tộc ít người
Điểm dừng chân trước "cửa tử"
Những đoạn đường cheo leo
Trạm dừng chân 2.100m - núi Muối
Núi Muối - biển mây đầu tiên trên đường lên Bạch Mộc Lương Tử
Khởi hành từ núi Muối lên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử
300 m gian nan nhất từ 2.300 m lên 2.600 m
Điểm cao 2.600m lúc bình minh - điểm chụp ảnh hấp dẫn hơn cả núi Muối
Vách núi cheo leo
Sống lưng khủng long, điểm cao gần 2.900
Rừng hoa đỗ quyên không vào mùa
Cây thảo quả dưới tán rừng già
Đường rẽ xuống Sìn Hồ, Lai Châu
Hành trình chinh phục Bạch Mộc Lương Tử
Đúng 8 giờ 30, đoàn khởi hành từ xã Sàng Ma Sáo. 12 giờ 30 nghỉ trưa tại cao điểm 1.600 m, cũng là ngay trước “cửa tử”. Sau 40 phút, tiếp tục khởi hành và 13 giờ 30 có mặt ở cao điểm 1.800 m. Mất 1 giờ 15 phút, đoàn có mặt tại núi Muối (2.100 m) vào lúc 14 giờ 45.
Sau ăn tối, ngủ thật sớm, đúng 4 giờ 30, đoàn khởi hành từ núi Muối đển lên đỉnh. Đến 5 giờ 15 có mặt tại 2.300 m.
Với 300 m tiếp theo được xem là vắt sức và đo kiểm ý chí của các phượt thủ, đoàn đã lên đến điểm cao 2.600 m. Tại 2.600 m, các porter đã đặt 2 ghế băng gỗ, ván gỗ để du khách nghỉ chân và tha hồ chụp ảnh trong biển mây. Từ đây nhìn xuống núi Muối dưới chân, với trạm dừng chân lấp ló trong mây.
6 giờ 55, nhóm có mặt tại 2.700 m; 7 giờ 25 đến 2.900 m, đây là đoạn đường khá bằng phẳng, thoáng rộng trên đỉnh núi với nhiều loại hoa, cây lạ 2 bên đường và vài chú sóc.
7 giờ 55, chúng tôi có mặt tại điểm cao 3.000 m và đúng 8 giờ 40 phút, tôi là thành viên đầu tiên trong đoàn (12 người) có mặt tại đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (3.046 m). Thành viên cuối cùng có mặt tại đỉnh núi trong mây này vào lúc 9 giờ 25 phút.
Tại đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, du khách có thể tha hồ chụp ảnh, quay clip trong khi chờ porter nhóm lửa sưởi ấm và chuẩn bị đồ ăn.
9 giờ 40 phút, chúng tôi tạm biệt đỉnh Bạch Mộc Lương Tử và bắt đầu hành trình xuống núi. Đúng 12 giờ, thành viên đầu tiên trong đoàn có mặt tại điểm dừng dân núi Muối (2.100 m) và thành viên về cuối cùng có mặt tại đây vào lúc 13 giờ 30. Quãng đường từ đỉnh Bạch Mộc Lương Tử về đến núi Muối một lần nữa "vắt sức" các thành viên.
Chia tay núi Muối điểm cao 2.100 m, nơi nhiều phượt thủ dừng lại chuyến hành trình vì không đủ sức leo lên 3.046 m đỉnh Bạch Mộc Lương Tử vào 14 giờ 45. Đến 16 giờ 50, chúng tôi vượt qua “cửa tử” và thở phào nhẹ nhõm.
Đúng 18 giờ 45, nhóm đầu tiên trong đoàn chúng tôi đã có mặt tại đường cái xã Sàng Ma Sáo để kết thúc hành trình chinh phục Bạch Mộc Lương Tử sau 2 ngày 1 đêm, chính xác là 34 giờ 10 phút.
Bình luận (0)