Qua một đêm cắm trại trên Vọng Hải Đài, sau bữa cơm sáng lót lòng và dự lễ phong huyền đai, các môn sinh trong võ phục trắng, đai còn nguyên nếp gấp và vẫn với tối thiểu ba-lô 15 kg trên vai, tập hợp đầu suối Hoàng Yến cách đỉnh núi chừng hơn 1 km để nghe thầy căn dặn trước khi chinh phục thác Đỗ Quyên. Các huấn luyện viên trấn an tinh thần học trò rằng tuy cực kỳ nguy hiểm nhưng đó là chặng đường không dài như từ chân núi lên Vọng Hải Đài và bù lại, họ sẽ được thưởng lãm thắng cảnh thiên tạo bậc nhất của Bạch Mã.
Cẩn trọng từng bước chân
Thác Đỗ Quyên nằm lưng chừng suối Hoàng Yến. Để thưởng ngoạn, du khách đã có một con đường nhỏ khá bằng phẳng dẫn từ độ cao 1.300 m đến tận đỉnh thác, chỉ mất chừng 45 phút đi bộ. Võ sinh thì phải đi bằng con đường mất khoảng 3 giờ liền và tụt từ đỉnh suối đến đỉnh thác.
Các môn sinh Nghĩa Dũng Karate-Do tụ hội dưới chân thác Đỗ Quyên. Ảnh: LÊ NGUYÊN PHÚC VINH
Để được công nhận huyền đai, võ sinh phải ý thức tập võ là quá trình rèn luyện cực kỳ gian khổ, chỉ những người có quyết tâm cao mới hoàn thiện được cả về sức khỏe lẫn kỹ năng tự vệ và 4 mục tiêu về tính cách, nhân cách, phong cách, phẩm cách. Muốn thế, họ phải đối diện những hiểm nguy để thông qua đó chiến thắng chính bản thân mình. Hành trình chinh phục Bạch Mã chính là để kiểm tra tinh thần đoàn kết, sức chịu đựng, tính kỷ luật và tác phong nhanh nhẹn của mỗi môn sinh.
Các môn sinh cẩn trọng từng bước chân để chinh phục Ngũ Hồ. ẢNH: HỮU TÀI
Hoàng Yến là suối lớn nhất của toàn khu quần sơn, bắt nguồn từ đỉnh Bạch Mã. Đứng nhìn con suối miệt mài đổ thẳng về xuôi qua những bực đá dốc đứng, tôi chợt nhớ hồi năm 1985, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường kể: Vào năm 1937, nơi đây từng có một trường “đại học” rừng núi của các hướng đạo sinh, thiết kế theo khuôn mẫu trại trường hướng đạo Gilwell Park ở nước Anh. Hướng đạo sinh sau khi vượt qua những chương trình huấn luyện cực kỳ gian khổ sẽ đến đây để thi lấy bằng Rừng quốc tế hay Khăn quàng đỏ Gilwell với dây da đính 2 mẩu gỗ hun lửa (là bằng cao nhất mà hướng đạo sinh đạt được). Trên khăn quàng thêu biểu tượng 2 dòng suối hợp lưu - chính là nơi chúng tôi đang bắt đầu của hành trình hướng về thác Đỗ Quyên.
Lễ phong huyền đai trên đỉnh Bạch Mã. Ảnh: Hữu Tài
Dẫn đầu đoàn vẫn là võ sư Nguyễn Văn Dũng. Ông cẩn trọng đặt từng bước chân. Các cao đồ từng theo ông trong hàng chục chuyến đi như thế nay phân nhau tiếp cận những vị trí nguy hiểm nhất của hành trình để hỗ trợ các môn sinh nhỏ tuổi. Những sợi dây dài được kết nối nhanh chóng vào các gốc cây chênh vênh bờ vực. Các môn sinh chuyển gậy sang tay trái, tay phải bám cây rừng hoặc dây, từng bước chân đu bám trên các bực đá đầy rêu phủ trơn trượt. Chỉ cần một sự lơ đễnh thì hậu quả sẽ khôn lường. “Bực đá dễ sập”, “chuyển ba-lô dồn sang vai phải”, “bám dấu chân người đi trước”… là những khẩu lệnh liên tục từ thầy được mọi người truyền tiếp ra sau khi tiếp cận mỗi đoạn đường nguy hiểm. Tiếng hô lan trong rừng thẳm, dội lại âm âm khiến những cặp trĩ, công ngừng múa, đàn khỉ đang chuyền cành cũng ngồi im ngơ ngác nhìn.
Cứ như thế, chúng tôi dò từng bước chân, quên phắt lũ vắt tinh quái thi nhau đu bám, hút no máu quanh bắp chân, cổ tay. Thảng hoặc mây mù ập đến phủ trắng rừng khiến cả đoàn phải dừng lại vì không thể nhìn rõ bực đá nào đủ an toàn để đặt chân. Chừng 2 giờ sau, chúng tôi dừng chân ở Ngũ Hồ. Dòng Hoàng Yến len lỏi về đây bị chặn lại bởi 5 bậc, mỗi bậc tạo ra một thác nước trong vắt như gương cao 3-4 m và sâu 4-5 m, riêng hồ thứ nhất rộng hàng trăm mét vuông.
Lúc mây mù tan, đứng ở Ngũ Hồ có thể nhìn thấy diện mạo khá đầy đủ của rừng nguyên sinh Bạch Mã. Đã thưa hẳn các loài cây mọc dày ở đỉnh núi thuộc họ kim giao, thay vào đó là bạt ngàn loài cây lá rộng họ dầu và rất nhiều loài cây gỗ như cẩm lai, trắc, sến đinh, lim, hồng quang, chổi sể. Lưng chừng tán rừng là tầng lá non mởn của các loài cau dừa, dương xỉ, lan. Ken dày ở tầng thấp là các loài cây bụi, lẫn trong đó là từng vạt cây thuốc nam như bướm bạc, bảy lá một hoa, thích bắc bộ, thạch tùng, hoàng tinh hoa trắng, gừng dại, sâm lông…
Biến hóa vô cùng sinh động
Quá trưa, đoàn tiếp cận được đỉnh thác Đỗ Quyên. Mọi người reo lên sung sướng khi nhìn thấy thác nước rộng hơn 20 m ào ào đổ xuống vực sâu thăm thẳm giữa những vách núi hùng vĩ (nhiều tài liệu ghi độ cao của thác Đỗ Quyên là 300 m).
Nước miệt mài dội thẳng xuống những bậc đá dựng đứng tạo ra muôn vàn thanh âm trầm bổng, vang động cả núi rừng. Bụi nước giăng những làn sương lung linh, huyền diệu, biến hóa vô cùng sinh động. Thỉnh thoảng, đại ngàn lơ đễnh để những sợi nắng đi hoang, lạc vào mênh mông sương mù tạo ra muôn vàn cầu vồng kỳ ảo.
Các môn sinh không được phép dừng chân lâu ở đỉnh Đỗ Quyên. Họ còn phải tụt hơn 700 bậc đá dựng đứng để tiếp cận chân thác, dựng trại trước khi hoàng hôn ập xuống. Đấy là thời khắc Bạch Mã thường chìm trong những cơn mưa tầm tã. Sau một đêm hóa thân vào đại ngàn, mê mẩn trong bản hòa âm hùng tráng của Đỗ Quyên, họ sẽ phải quay lại hành trình cũ, có mặt ở nơi xuất phát vào chiều hôm sau, kịp trước khi tắt nắng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-9
Bức tranh thủy mặc đầy lãng mạn
Nhiều người lý giải thác có tên Đỗ Quyên vì ở đây có rất nhiều cây hoa này, chúng mọc dày đặc dọc thác. Đỗ quyên là quốc hoa của Nepal (xứ sở sinh ra thái tử Tất Đạt Đa - Đức Phật). Nếu đến đây vào khoảng tháng 3, 4 hoặc tháng 6, 7 sẽ thấy đỗ quyên nở rộ, đỏ rực như ngọn lửa nồng nàn, lại cũng có khi giống ráng chiều nhức nhối một niềm đau đến ngỡ ngàng. Cộng hưởng trong tiếng ầm ào của thác, hương sắc trong trẻo và thanh cao của loài hoa này tạo nên một bức tranh thủy mặc đầy lãng mạn và huyền bí.
Dân quanh vùng còn gọi thác này là Xai Tôi Đó hoặc phướn và tin rằng nếu đêm nghe phướn reo thì trời đang mưa sẽ chuyển nắng hoặc nắng chuyển sang mưa. Những đêm thinh vắng, phướn reo rùng rùng như có đàn ngựa chạy, xa hàng chục km vẫn còn nghe.
Bình luận (0)