Vụ 4 người tử vong do ngạt khí xảy ra tại hầm khai thác vàng ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam hôm 12-4 một lần nữa báo động tình trạng khai thác vàng trái phép tràn lan ở địa phương này. Cứ sau mỗi vụ việc xảy ra, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lại chỉ đạo truy quét “vàng tặc” nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Dọa cách chức cho vui!
Theo thống kê sơ bộ, từ tháng 4-2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra hơn 15 vụ sập hầm vàng trái phép, cướp đi sinh mạng 21 người. Trong đó, một số vụ việc nghiêm trọng như: vụ sập hầm vàng tại xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh khiến 3 người chết ngạt ngày 5-5-2013; vụ sập hầm vàng ở xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn làm 3 phu vàng tử vong hôm 12-2-2014; vụ sập hầm vàng trái phép chôn vùi 2 người tại xã Tam Lãnh ngày 1-1-2015…
Từ năm 2011, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành văn bản nêu rõ xã nào để xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép thì sẽ cách chức chủ tịch UBND xã đó. Thế nhưng, từ đó đến nay, chưa có ai bị cách chức trong khi “vàng tặc” vẫn mặc sức lộng hành.
Sau vụ ngạt khí khiến 4 phu vàng tử vong vừa xảy ra tại thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, ngày 13-4, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, lại tiếp tục ra văn bản yêu cầu các địa phương tập trung truy quét, đẩy đuổi những đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.
Theo ông A Lăng Cường, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Giang, thực hiện chỉ đạo, ngay trong chiều 13 và sáng 14-4, phòng đã phối hợp với các lực lượng chức năng tháo dỡ lán trại, tiêu hủy máy móc phục vụ khai thác khoáng sản trái phép tại hầm vàng “chui” này. Khi được hỏi về kế hoạch truy quét “vàng tặc”, ông Cường cho biết những năm trước, Nam Giang có nhiều người khai thác vàng trái phép nhưng “hiện nay rất ít”. Giải thích về việc để các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép ở địa phương nhưng không hề hay biết, ông Cường đổ hết lỗi cho UBND thị trấn Thạnh Mỹ khi cho rằng lãnh đạo thị trấn này không báo.
Truy quét theo… phong trào
Trước Tết Nguyên đán 2016, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn yêu cầu các huyện kiểm tra, xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép và báo cáo. Tuy nhiên, đến nay, chỉ 4 huyện Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang và Nam Trà My gửi báo cáo. Trong đó, huyện Phước Sơn và huyện Nam Trà My cho biết có đẩy đuổi các đối tượng, phá hủy công cụ khai thác vàng trái phép; 2 huyện còn lại là Nam Giang và Bắc Trà My khẳng định tại địa phương không có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép!
Nói về nạn khai thác vàng trái phép, ông Bùi Văn Ba, Trưởng Phòng Khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, thừa nhận đây là vấn đề hết sức nan giải. Theo ông, sở thường xuyên tổ chức các đoàn đi truy quét “vàng tặc” nhưng do địa hình phức tạp, đi lại khó khăn trong khi kinh phí hạn hẹp, làm theo kiểu phong trào nên việc truy quét không hiệu quả.
“Khi mình vào truy quét thì các đối tượng bỏ chạy, mình rút thì họ quay lại. Thông thường, mình chỉ tiêu hủy máy móc, phương tiện chứ khó bắt được người; hoặc chỉ bắt được những người làm thuê còn chủ hầm vàng thì không có mặt ở đó nên rất khó xử lý” - ông Ba phân trần.
Ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, một trong những nơi “nóng” nhất về tình trạng khai thác vàng trái phép - cũng cho rằng khó thể xử lý một cách triệt để. “Địa phương có mỏ vàng Bồng Miêu nên nạn khai thác vàng trái phép diễn ra thường xuyên. Một phần do lợi nhuận lớn, một phần do người dân không có việc làm nên đành phải vào rừng tìm vàng” - ông Vinh lý giải.
Chưa khởi tố vụ ngạt khí làm 4 người chết
Ngày 14-4, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết cơ quan điều tra vẫn đang trong quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ và chưa khởi tố vụ ngạt khí hầm vàng làm 4 người chết.
Trước thông tin dư luận cho rằng vợ một cán bộ Công an huyện Nam Giang có liên quan đến vụ việc - cụ thể là thuê các nạn nhân đào hầm, đại diện Công an tỉnh Quảng Nam cho hay đã mời bà này lên làm việc nhưng bà không thừa nhận. “Chúng tôi vẫn đang điều tra và nếu có chuyện cán bộ hay người thân liên quan thì sẽ xử lý nghiêm” - vị đại diện khẳng định.
Bình luận (0)